MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÂM LÍ DẠY HỌC Ở TIỂU HỌC

Thứ sáu - 08/12/2017 22:30
BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN (Mã Mô-đun TH1)
 Nội dung: MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÂM LÍ  DẠY HỌC Ở TIỂU HỌC
1/ Tâm lí học về sự phát triển trí tuệ học sinh tiểu học:
a/ Khái niệm trí tuệ:
- Trí tuệ là vấn đề phức tạp của cả Triết học, Tâm lí học và Giáo dục học. Ở đây, chỉ xem   xét trí tuệ dưới góc độ Tâm lí học và Giáo dục học. Cũng như nhiều khái niệm vốn có còn mang nặng màu sắc “đời sống”, thuật ngữ “trí tuệ” cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
-Trí tuệ biểu hiện ra nhiều mặt và liên quan đến nhiều hiện tượng tâm lí khác nhau. Trí tuệ có thể biểu hiện ở mặt nhận thức như nhanh biết, nhanh hiểu, mau nhớ hoặc biết suy xét, tìm ra nhanh các quy luật, có óc tưởng tượng phong phú, hình dung ngay và đúng điều người khác nói, đến hành động nhanh trí, sáng tạo tháo vát, linh hoạt; đến các phẩm chất: óc tò mò, lòng say mê, sự kiên trì miệt mài.
b/ Những đặc điểm của trí tuệ:
- Nhận thức được đặc điểm bản chất của tình huống mới do người khác đưa ra hoặc tự mình nêu ra vấn đề cần giải quyết.
- Sáng tạo công cụ mới, phương pháp mới, cách thức mới, phù hợp với hoàn hoàn cảnh mới (tất nhiên trên cơ sở những tri thức và kinh nghiệm tiếp thu được trước đó). Do đó, trí tuệ không chỉ bộc lộ qua nhận thức mà qua cả hành động. Đa số các hành động đều được tổ chức trong óc trước khi đưa vào thực hiện.
c/ Một vấn đề về hình thành trí tuệ:
- Thực chất của việc hình thành trí tuệ là phát triển năng lực suy nghĩ, sáng tạo mà bước đầu là nhận thức “bài toán”, giải các “bài toán” thực tiễn ở các mức độ khác nhau.
- Việc hình thành và phát triển trí tuệ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, thống nhất và có hệ thống đặc biệt khi trẻ em ở tiểu học.
- Hình thành và phát triển trí tuệ không tách rời việc rèn luyện năng lực quan sát, phát triển trí nhớ.
- Hình thành trí tuệ phải đi song song với việc giáo dục tình cảm đẹp, rèn luyện ý chí và bồi dưỡng những phẩm chất khác của nhân cách.
- Muốn hình thành trí tuệ cho trẻ em, đặc biệt ở bậc Tiểu học, cần phải thay đổi cấu trúc, nội dung tài liệu dạy học. Trong dạy học nếu nội dung còn là những trí tuệ cũ, có tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa thì dù phương pháp giảng dạy có được đổi mới, thì cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của học sinh. Phải xây dựng nội dung dạy học sao cho nó không phải “thích nghi” với trình độ sẵn có của trẻ, mà đòi hỏi trẻ phải có trình độ cao hơn, có phương thức hoạt động trí tuệ phức tạp hơn. Nếu trẻ thực sự nắm được nội dung thì đó là chỉ tiêu rõ nhất về trình độ trí tuệ của trẻ.
- Tất cả giáo viên đều có nhiệm vụ và có thể góp phần vào việc phát triển trí tuệ của học sinh bằng cách tạo ra các điều kiện để học sinh suy nghĩ chủ động, độc lập sáng tạo trong việc đề ra và giải quyết các “bài toán” nhận thức và thực tiễn. Nhiệm vụ này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và có hệ thống trong từng giờ lên lớp
 2. Tâm lí học về sự hình thành kĩ năng học tập của học sinh tiểu học:
a/ Sự hình thành kĩ năng:
- Kĩ năng là khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết một nhiệm vụ mới. Việc hình thành kĩ năng phụ thuộc vào nội dung của nhiệm vụ, bài tập…Thực chất của sự hình thành kĩ năng là hình thành cho học sinh nắm vững một hệ thống phức tạp các thao tác nhằm làm sáng tỏ và làm biến đổi những thông tin chứa đựng trong bài tập. Giúp học sinh hình thành mô hình khái quát để giải quyết các bài tập .
- Kĩ xảo là hành động đã được củng cố và tự động hóa. Kĩ xảo ít có sự tham gia của ý thức, nhưng ý thức luôn thường trực để xuất hiện kịp thời khi có vấn đề. Các động tác thừa và phụ bị loại trừ, những động tác cần thiết ngày càng chính xác hơn, nhanh hơn tiết kiệm năng lượng và thời gian, đảm bảo chất lượng tốt.
-Kĩ xảo không gắn với một tình huống cụ thể, có thể di chuyển dễ dàng tùy theo mục đích và tính chất của hành động. Muốn hình thành kĩ xảo cho học sinh thì cần phải làm cho học sinh hiểu biện pháp hành động. Luyện tập thường xuyên để trở thành hành động tự động hóa, thói quen.
b/ Một số kĩ năng, kĩ xảo cần có của học sinh tiểu học:
- Những kĩ năng, kĩ xảo học tập gồm những kĩ năng, kĩ xảo: đọc, viết, tính toán... Trong đó, đọc là hoạt động phức tạp đối với học sinh lớp 1. Kĩ xảo viết cũng không phải đơn giản, đòi hỏi các em phải nắm quy tắc chính tả, tự động hoá mọi động tác, kiểm tra nhanh và tinh những chữ đã viết, đồng thời tiếp tục viết những chữ mới...
- Những kĩ năng, kĩ xảo lao động: chủ yếu là lao động tự phục vụ, lao động đơn giản như kĩ năng kĩ xảo sử dụng các công cụ lao động...
- Những kĩ năng, kĩ xảo vệ sinh như biết đánh răng rửa mặt...
- Những kĩ năng, kĩ xảo về hành vi như các kĩ năng, kĩ xảo đi đứng, ngồi ngay ngắn, biết ra vào đúng lối, biết cách chào thầy cô giáo...
c/ Một số yêu cầu đối với việc hình thành kĩ năng, kĩ xảo và thói quen :
- Làm cho học sinh ham thích luyện tập. Luyện cho học sinh có thói quen giữ vở sạch viết chữ đẹp, vượt khó trong học tập.
- Làm cho học sinh hiểu được cách thức luyện tập. Khi hướng dẫn một hành động hoặc một công việc gì đó cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu tỉ mỉ để hướng dẫn từng thao tác sau đó mới luyện tập cho nhanh cho khéo
- Cần phải chỉ ra kịp thời những sai sót của học sinh. Những chỉ dẫn của giáo viên về những sai sót trong phương pháp hành động và sự đánh giá mức độ phù hợp giữa kết quả đạt được với mục đích đề ra có ý nghĩa quan trọng. Biết kết quả và hiểu nguyên nhân của sự sai sót trong hành động là một trong những điều kiện chủ yếu để chuyển từ kĩ năng sang kĩ xảo nhanh chóng.
- Phải tiến hành luyện tập có hệ thống và liên tục, việc luyện tập phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Ví dụ: Từ chỗ dạy cho các em đọc được, đọc đúng đến đọc lưu loát và diễn cảm
- Phải kiểm tra và đánh giá kết quả luyện tập. Khi luyện tập giáo viên phải theo dõi, uốn nắn kịp thời những sai sót của học sinh ngay từ đầu. Quan trọng giáo viên phải làm đúng mẫu. Sau đó để các em tự làm và giáo viên theo dõi đánh giá. Điều quan trọng là giáo viên phải dạy cho các em tự kiểm tra, dần dần sẽ hình thành thói quen tự kiểm tra, tự đánh giá hành động của mình.
- Phải củng cố những kĩ năng kĩ xảo và thói quen đã được hình thành. Ở tuổi học sinh tiểu học, kĩ năng kĩ xảo, thói quen dễ hình thành nhưng chưa bền vững nên việc củng cố kĩ năng, kĩ xảo là một điều cần thiết.
3/ Tâm lí học về giáo dục đạo đức học sinh tiểu học:
a/ Khái niệm về đạo đức:
- Trong quá trình quan hệ qua lại với nhau và với xã hội con người đã đưa ra yêu cầu cho bản thân, nó được diễn đạt bằng những mệnh đề hay một thuật ngữ nào đó và được gọi là những chuẩn mực đạo đức.
-Đạo đức là hệ thống những chuẩn mực biểu hiện thái độ đánh giá quan hệ giữa lợi ích của bản thân với lợi ích của người khác và của xã hội.
b/ Vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học:
- Giáo dục đạo đức cho học sinh là một trong những nhiệm vụ của nhà trường tiểu học hiện nay. Nó có một ý nghĩa chiến lược quan trọng. Bởi lẽ: “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Cùng với gia đình, xã hội, nhà trường có trách nhiệm phải chăm lo giáo dục đạo đức cho học sinh.
- Muốn giáo dục học sinh thì phải hiểu học sinh, giáo viên chỉ có thể hiểu được học sinh khi người giáo viên biết tôn trọng và gần gũi học sinh. Những lời than phiền người lớn không hiểu trẻ em từ phía trẻ em không phải là không có lý. Sự vội vàng, không biết lắng nghe, không muốn tìm hiểu những gì đang diễn ra trong thế giới nội tâm của học sinh, mà chỉ tin tưởng một cách tự mãn vào kinh nghiệm của mình chính là nguyên nhân tạo nên hàng rào tâm lý ngăn cách giữa nhà giáo dục với trẻ em và chính những yếu tố này góp phần tạo ra khảnăng “tự vệ tâm lý” mà thể hiện rõ nhất ở tính bất cần, sự hung hăng, sự không tiếp nhận... của trẻ em với người lớn kể cả những người thân như cha mẹ, anh chị em...
- Cung cấp những tri thức đạo đức cho học sinh. Giáo viên phải cung cấp cho các em tri thức đạo đức về: hiểu biết đạo đức, nghĩa vụ, bổn phận, trách nhiệm phải làm, về thái độ phải có... Đây là một khâu quan trọng của giáo dục đạo đức. Việc làm này có tác dụng làm cho đạo đức của học sinh được xây dựng trên cơ sở lý trí, từ đó các em có thể nhìn ra và đánh giá được cái thiện, cái ác, cái xấu, cái cao thượng, cái nhỏ nhen, cái ti tiện. Giáo dục đạo đức cho trẻ thông qua các giờ học môn Đạo đức, môn Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động ngoài giờ chưa đủ làm cho những tri thức hiểu biết về chuẩn mực đạo đức bắt rễ sâu vào trí tuệ của học sinh, chứ đừng nói đến việc hình thành tình cảm đạo đức, động cơ đạo đức và niềm tin đạo đức... Đồng thời, các môn học khác của nhà trường cũng phải góp phần cung cấp những tri thức về đạo đức cho học sinh.
-Biến tri thức đạo đức thành niềm tin và tình cảm đạo đức, đồng thời chú trọng học tập hành vi đạo đức và thói quen đạo đức. Muốn biết tri thức đạo đức thành niềm tin và tình cảm đạo đức không thể không tìm mọi cách tác động vào tình cảm đạo đức và ý chí học sinh. Tác động vào tình cảm, sự học tập, thái độ và chuyển được tri thức đạo đức thành niềm tin đạo đức. Việc tổ chức cho học sinh tiếp xúc với người thực, việc thực, với chính chủ thể của các hành vi đạo đức có thật sẽ tác động nhiều hơn so với lý thuyết dài dòng, khô khan, cứng nhắc về những điều phải làm và không làm được. Việc thực và người thực có khả năng đi thẳng vào niềm tin của mỗi học sinh, của nhóm và tập thể mà học sinh là thành viên. Những hành vi đó là mẫu mực để học sinh noi theo.
-Tận dụng tác động tâm lý của nhóm, tập thể, trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội thể hiện một thái độ đánh giá của xã hội. Kinh nghiệm đạo đức của nhóm và tập thể được xem là chuẩn mực đạo đức xã hội đối với các em. Học sinh có thể tham gia vào các nhóm khác nhau, nhưng trong phạm vi nhà trường thì có thể kể ra 3 nhóm chính: tổ học tập (lớp), chi đội và nhóm học sinh ở nơi ở.
- Việc giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo viên phải biết tìm ra những tình huống trong cuộc sống thực tế để các em lựa chọn giải pháp, phân tích, phê phán, cổ vũ và cuối cùng giáo viên đưa ra kết luận. Cách làm này có sức khắc sâu, lắng đọng vào tâm hồn các em.

Tác giả bài viết: Hoài Như

Nguồn tin: Tiểu học Đức lLong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay884
  • Tháng hiện tại17,782
  • Tổng lượt truy cập2,036,926
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây