Phương pháp giáo dục học sinh cá biệt ở tiểu học hiệu quả

Chủ nhật - 07/05/2017 15:07

Không nên có cái nhìn kì thị với các em

Đây là điều đầu tiên mà các thầy cô cần nắm rõ khi giáo dục các học sinh cá biệt. Là người giáo viên, chúng ta không nên có cái nhìn kì thị, thái độ khó chịu, ghét bỏ, coi thường hay mắng nhiếc học sinh cá biệt trước lớp. Không nên cố gắng dò xét chỉ để tìm thấy lỗi, hay thấy những mặt xấu của các em. Không nên gọi các em là học sinh cá biệt nhiều lần, đặc biệt là trước lớp, trước mặt người khác, đồng thời cũng đừng tách các em ra khỏi lớp hay cô lập các em trước lớp. Vì những điều này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề mà thôi. Các thầy cô cũng nên biết rằng, ở độ tuổi tiểu học, các em vẫn chưa hình thành được nhân cách của mình, các em chỉ là những học sinh chưa ngoan và cần được giáo dục. Vậy nên, đừng kì thị các em vì các em luôn cần ta giúp đỡ.

Quan tâm và gần gũi hơn với các em

Cái gì cũng có lý do của nó, không phải tự dưng khi sinh ra con người ta cũng đều trở nên xấu xa cả. Và đối với trường hợp của các em học sinh cá biệt cũng vậy, chắc chắn là vì nhiều yếu tố tác động nên mới khiến các em như thế. Các thầy cô cần tìm hiểu nguyên nhân, để từ đó đưa ra cách tiếp cận phù hợp cũng như có sự quan tâm và gần gũi hơn vì thấu hiểu về những chuyện mà các em gặp phải. Để thực hiện tốt điều này, chúng ta có thể chia học sinh cá biệt thành các nhóm sau:
  • Cá biệt - học lực yếu, vì các em bị mất kiến thức căn bản ở lớp dưới
  • Cá biệt - học yếu do các em được bố mẹ nuông chiều, ham chơi, lười học, không học bài, bị bạn xấu rủ rê sa đà
  • Cá biệt - học yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn
  • Cá biệt - học yếu do cha mẹ li hôn, thiếu thốn tình cảm gia đình
Tóm lại, các thầy cô cần có sự quan tâm gần gũi, tìm hiểu rõ về các học sinh cá biệt. Vì đa số các em đều rất cần một điểm tựa tinh thần tin cậy để có thể bộc bạch, sẻ chia, cũng như tâm sự những khó khăn, những nỗi niềm riêng tư thầm kín. Thầy cô sẽ trở thành người bạn lớn của các em, luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Người GVCN nên biết lắng nghe những tâm sự của các em và cũng nên giữ kín những tâm sự đó để các em tin tưởng mà bộc bạch. Hãy nhìn các em bằng ánh mắt của người cha, sự nhân từ của người mẹ, sự gần gũi, cảm thông của những người anh người chị, sự thân thiết của những người bạn.

Phối hợp chặt chẽ với gia đình

Điều quan trọng trong công tác chủ nhiệm là giáo viên cần phối hợp một cách chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong quá trình giáo dục các em. Lưu ý rằng: khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh cá biệt cần tránh cho họ sự tổn thương cần thiết. Thường thì những học sinh cá biệt sẽ hoàn cảnh sống đặc biệt, do gia đình mâu thuẫn, cha mẹ hay cãi vã, hoặc là do các em thiếu thốn tình cảm, thiếu sự quan tâm cũng như chăm sóc từ cha mẹ và cũng có thể là do cha mẹ quá nuông chiều…  với muôn ngàn lí do khác. 
Mặt khác, cha mẹ luôn coi con cái của mình là thứ quý giá nhất, cho dù chúng hư hỏng, khó dạy bảo đến đâu… Cho nên khi nghe tin có giáo viên đến nhà thăm, hay điện thoại báo tin là bản thân họ lại không muốn tiếp, không muốn nghe. Và nếu có tiếp hay nghe điện thoại của thầy cô thì cũng với thái độ bực dọc, thậm chí là bất cần, vì mấy ai thích nghe người khác kể tội con mình. Vì vậy, khi tiếp xúc với phụ huynh, giáo viên nên đặt vị trí của mình vào trong suy nghĩ, tình cảm của cha mẹ các em để phân tích, lí giải thiệt hơn. Hãy cố gắng tìm hiểu những khó khăn của các bậc phụ huynh trong việc quản lí, cũng như dạy dỗ con em mình để cùng nhau tìm biện pháp giáo dục tốt nhất.

Tác giả bài viết: Mai Thị Hoa

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay154
  • Tháng hiện tại6,447
  • Tổng lượt truy cập1,778,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây