Sáng kiến kinh nghiệm

Chủ nhật - 06/11/2016 01:42
Sáng kiến kinh nghiệm
 
                               “ BỒI DƯỠNG KỸ NĂNG, NGHIỆP VỤ    
                         ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH
 
A . ĐẶT VẤN ĐỀ:
    I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
           Đội TNTP Hồ Chí Minh là tổ chức của thiếu nhi Việt Nam, do Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam sáng lập, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phụ trách. Đội là tổ chức nòng cốt trong phong trào thiếu nhi, là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, là lực lượng dự bị của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
          Ngày nay, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con người được đặt ở trung tâm chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, trong đó lớp thiếu niên nhi đồng hôm nay sẽ là những công dân, những người chủ tương lai của đất nước. Các em sẽ là lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sau này. Để đáp ứng nhu cầu đào tạo con người phát triển toàn diện, các hoạt động giáo dục nói chung và công tác Đội nói riêng phải không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức. Vì vậy Tổng phụ trách phải biết lập  kế hoạch và có kỷ năng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích cho các em thiếu nhi tham gia.                                         
          Trong trường Tiểu học Đội TNTP có vai trò rất lớn, là chủ thể của đối tượng hoạt động trong nhà trường. Nhà trường muốn mạnh về mọi mặt, muốn giáo dục được học sinh toàn diện thì không thể nào tách rời khỏi công tác Đoàn - Đội.
          Hoạt động Đội trong nhà trường đã thực sự có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng văn hóa, góp phần quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng các em thành những con người phát triển toàn diện. Đến trường các em không chỉ để học tập, tiếp thu kiến thức khoa học mà các em còn được tham gia các phong trào rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí, rèn luyện nhân cách để thành những chủ nhân tương lai của đất nước, giỏi về kiến thức văn hóa, lành mạnh về đạo đức lối sống.
        Trong những năm gần đây tổ chức Đội trong trường học không ngừng lớn mạnh về số lượng, chất lượng và luôn khẳng định vai trò, vị trí của mình trong
thời kỳ mới,  như  ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trước tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ trong học tập và sinh hoạt Đội. Để thực hiện tốt kế hoạch đề ra đòi hỏi vai trò, trách nhiệm không hề nhỏ của người giáo viên Tổng phụ trách Đội.
        Qua thực tiễn tôi thấy ở những liên đội có nề nếp tốt, kỷ luật tốt thì phong trào học tập và các phong trào khác ở chi đội, liên đội đó luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối năm chi đội đó luôn đạt chi đội mạnh, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Trong chương trình công tác Đội thì nội dung nghi thức và trống đội là phần khó và thiếu tính hấp dẫn nhất. Vì vậy cả Tổng phụ trách, huynh trưởng và Đội viên đều ngại tập huấn và thực hành. Vậy làm thế nào để nội dung này trở nên dễ hiểu, dể thực hiện và gây được hứng thú cho các em trong quá trình hoạt động? Đây thực sự là một vấn đề khó mà mỗi giáo viên làm Tổng phụ trách trăn trở, quan tâm tìm cách giải quyết. Chính vì những trăn trở đó mà tôi mạnh dạn đưa ra “Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí MInh ”.Làm đề tài nghiên cứu của mình.
II. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ TÀI:
     - Tìm hiểu nguyên nhân cơ bản trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và nhất là Đội nghi thức, nghi lễ trong nhà trường.
    - Đưa ra những biện pháp khắc phục nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đội trong nhà trường.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.
1. Phạm vi nghiên cứu: Các hoạt động của Liên đội và đội nghi thức, nghi lễ của Liên đội của trường Tiểu học, năm học 2011 - 2012 và năm học 2012- 2013.
2. Đối tượng nghiên cứu: Đội nghi thức, nghi lễ của các nhà trường.
 
 
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
a. Phương pháp nghiên cứu lý luận: Đọc tài liệu, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của liên ngành về công tác Đội trong trường Tiểu học để thu thập tư liệu, thông tin cần thiết cho đề tài.
 b. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn:
       - Điều tra cơ bản bằng phiếu điều tra kết hợp với phỏng vấn, trò chuyện; nghiên cứu thực trạng hoạt động của Liên đội mình phụ trách và một số liên đội bạn từ đó lựa chọn các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của đội nghi lễ và toàn thể Đội viên trong  Liên đội.
          c. Phương pháp nghiên cứu hỗ trợ:
- Thống kê toán học để phân tích số liệu điều tra và thực nghiệm như tính phần trăm, tính trung bình…
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở  khoa học:
1.1. Cơ sở lý luận
Đội TNTP Hồ Chí Minh với mục đích tập hợp, giáo dục thiếu nhi trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, trở thành người công dân có ích trong tương lai. Việc giáo dục đội viên là nhiệm vụ chủ yếu, trực tiếp của tổ chức Đội. Muốn làm tốt nhiệm vụ của mình, người phụ trách Đội phải hiểu biết một cách sâu sắc về Đội TNTP Hồ Chí Minh, về các hoạt động mang tính giáo dục của Đội; Biết tổ chức, quản lý và điều hành công tác Đội trong phạm vi nhà trường; Tổ chức quản lý bộ máy công tác Đội, quản lý đội ngũ cán bộ phụ trách các Chi đội và lực lượng chỉ huy Đội.
1.2. Cơ sở thực tiễn
 Trong những năm qua Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh Liên đội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi có ý nghĩa giáo dục cao, giúp các em có động cơ, thái độ học tập đúng đắn có tinh thần vượt khó  vươn lên trong học tập. Chính thông qua các hoạt động có chủ đề, chủ điểm của Đội các em chơi với không khí vui tươi, lành mạnh, khích thích phát triển trí tuệ, thể chất, năng khiếu, năng động, sáng tạo qua đó các em phấn đấu rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ. Nhưng những yêu cầu đối với người đội viên về nghi thức và trống đội cũng rất quan trọng, vì đây là nhiệm vụ của mỗi đội viên và nhằm mục đích tuyển chọn đội nghi lễ của  nhà trường để thực hiện các buổi sinh hoạt, nghi lễ chào cờ đầu tuần, lễ khai giảng, lễ 20/11, lễ tổng kết khai mạc hè và tham gia các hội thi của cấp trên.
2. Thực trạng về hoạt động của đội nghi lễ trong nhà trường:
2.1. Số liệu điều tra về tình hình Liên đội:
   Tổng số học sinh toàn trường: 369 em.
          Trong đó: Đội viên : 135 em.
          Nhi đồng: 234 em.
          Tổng số Chi đội: 06 chi đội.
          Tổng số Lớp Nhi đồng: 10 lớp (30 sao)
2.2. Một số thuận lợi và khó khăn:
a.     Thuận lợi:
            Được sự quan tâm của Hội đồng đội huyện, Ban Giám hiệu nhà trường, chi đoàn, các ban ngành trong trường và ban đại diện cha mẹ học sinh, các huynh trưởng cũng là giáo viên chủ nhiệm nên thuận lợi trong việc điều hành hoạt động giáo dục nói chung và công tác Đội nói riêng. Tổng phụ trách có 6 năm  làm công tác Đội, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Đội viên nhi đồng tham gia tích cực các phong trào của liên đội đề ra và có ý thức vươn lên trong học tập và sinh hoạt Đội.
      b. Khó khăn:
            Bên cạnh những mặt thuận lơi trên, công tác Đội và  phong trào thiếu nhi của  Liên đội gặp khá nhiều khó khăn: Trường nằm ở 2 vùng nên gặp rất nhiều khó khăn trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Hoạt động Đội – sao đôi khi thiếu sự đồng nhất.
            Tổng số học sinh toàn trường 369 em trong đó số em học sinh khuyết tật và học sinh thuộc diện hộ nghèo chiếm tỉ lệ gần 20%. Gia đình phụ huynh học sinh ở đây làm nghề nông chiếm tỷ lệ 90%. Một số học sinh thiếu dinh dưỡng, sức khỏe kém nên việc tiếp thu và ghi nhớ còn nhiều hạn chế.
          Một số huynh trưỏng nắm chưa vững các kỷ năng hoạt động Đội.
          Một số động tác nghi thức thiếu sự thống nhất giữa quy định của Đội và phân môn thể dục nên giáo viên và học sinh còn khá lúng túng khi thực hiện.
2.3. Một số thực trạng cần quan tâm:
             Những năm trước vai trò chỉ huy và các em đội viên trong  chi  đội còn rất  trầm, nhút nhát trước tập thể, khi được giao một số nhiệm vụ thì ít hoàn thành như nghi lễ chào cờ đầu tuần,  khai giảng, tổng kết và các ngày lễ khác của dân tộc thì luôn phụ thuộc vào 10 em trong ban chỉ huy liên đội. Đôi lúc một số em vắng thì làm ảnh hưởng đến buổi lễ. Hàng năm qua kiểm tra chuyên hiệu nghi thức đội các em đạt điểm chưa cao, có 65 %  đội viên đạt loại trung bình trở lên, loại yếu kém chiếm 25 %. Chưa chi đội nào hoàn thiện 1 đội trống 5 em. Đội nghi lễ của liên đội chỉ có 6 em đánh trống. Khi chuẩn bị thi nghi thức cấp trường, cấp huyện Tổng phụ trách phải rất vất vả triệu tập các em tập luyện liên tục  nên có phần ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
  3. Nội dung biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài:
             - Đ  thực hiện tốt kế hoạch đề ra, chúng ta phải chuẩn bị tốt một số yêu cầu sau:
    a . Công tác chuẩn bị
             -  Để những đợt tập huấn thành công tốt đẹp, đạt kết quả cao thì ngay từ đầu năm học. Tổng phụ trách phải xây dựng kế hoạch chi tiết, họp ban phụ trách,chi  đoàn, tham mưu với ban giám hiệu nhà trường và triển khai đến các chi đội. ( Trong đó có phần tập kỷ năng cho giáo viên chủ nhiệm)
            -  Liên hệ với giáo viên phụ trách lớp để nắm bắt tình hình học lực của học sinh. Sau đó phân ra theo đối tượng học sinh giỏi, học sinh khá, học sinh trung bình.
           -   Phát động học sinh chuẩn bị sổ tay đội viên. Thi đua học tập tốt.
           -    Lên kế hoạch thi nghi thức liên đội.
 b. Nội dung      
           -   Tập hát Quốc ca, Đội ca và một số bài hát truyền thống , sinh hoạt tập thể của Đội.
           -   Chào theo kiểu đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tháo
thắt, khăn quàng đỏ .Hô, đáp khẩu hiệu Đội.
             -  Cầm cờ, gương cờ, vác cờ. (Khẩu lệnh khi thực hiện các động tác sử dụng cờ)
            -  Các động tác cá nhân tại chỗ và di động: ( Nghỉ, nghiêm, quay trái, quay phải, quay đằng sau, Dậm chân, chạy tại chỗ, tiến, lùi, Sang trái, sang phải, đi đều, chạy đều)
            - Tập hợp 4 đội hình ( hàng dọc, hàng ngang, chữ U, vòng tròn)
            -  Đánh trống Đội ( Trống chào cờ, trống đệm Quốc ca, trống đệm Đội ca, trống chào mừng, trống hành tiến).
    c. Cách tiến hành tập huấn:
               Lên lịch ở bảng tin liên đội cụ thể về thời gian, địa điểm, nội dung tập huấn.
  3. 1.  Hát, múa, đội hình đội ngũ và các động tác cá nhân, di động, tại chỗ.
              -   Tập hát Quốc ca, Đội ca và một số bài hát truyền thống , sinh hoạt tập thể của Đội.
          -  Giáo viên in sẵn các bài hát rồi phát cho học sinh, sau đó tập hát từng câu theo lối móc xích từ đầu cho đến hết bài hát.
    -    Chào theo kiểu đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Tháo thắt, khăn quàng đỏ, hô, đáp khẩu hiệu Đội.
     * Chào theo kiểu đội viên: Đội viên đứng ở tư thế nghiêm, mắt hướng về phía chào, chào bằng tay phải, các ngón tay khép kín giơ lên đầu cách thùy trán bên phải khoảng 5cm, bàn tay thẳng với cánh tay dưới, khuỷu tay chếch ra phía trước tạo với thân người một góc khoảng 130 độ.
        Lưu ý: Ở nội dung này học sinh thường không để ý nên khi thực hiện động tác này còn sai nhiều, thường là khi chào tay của các em xoè ra, đặt tay chào ở trên đầu không đúng với yêu cầu, khuỷu tay của các em khi thực hiện động tác này không được thẳng và vuông góc. Khi tập cho học sinh giáo viên TPT cần phải tập chậm lại hướng dẫn các em cụ thể từng động tác một. Như khi chào các em đưa thẳng cánh tay phải ra phía trước lòng bàn tay hướng vào trong vuông góc với mặt đất. Sau đó kéo bàn tay đặt lên đầu, khuỷu tay chếch ra phía trước tạo với thân người 1 góc 130 độ.
* Thắt khăn quàng đỏ:
   +  Dựng cổ áo lên, gấp xếp đổi chiều cạnh đáy khăn, để phần chiều cao khăn còn 15cm, đặt khăn vào cổ áo, so hai đầu khăn bằng nhau, đặt dải khăn bên trái lên trên dải khăn bên phải.
   +  Vòng đuôi khăn bên trái vào trong, đưa lên trên và kéo ra phía ngoài.
   + Lấy đuôi khăn bên trái vòng từ trái sang phải và buộc tiếp thành nút (từ phải sang trái ) với dải khăn bên phải.
   + Thắt nút khăn, chỉnh cho hai dải trên và dưới nút khăn xòe ra, sửa nút khăn vuông vắn, bẻ cổ áo xuống.
      Lưu ý: Ở nội dung này học sinh thường không để ý nên khi thắt khăn còn bị sai nhiều. Múi phải thường dài hơn múi trái vì động tác vòng đuôi khăn học sinh thường làm ngược lại so với yêu cầu. Giáo viên cần tập chậm lại và hướng dẫn học sinh làm theo từng bước một cho đến khi các em làm đúng và thành thục thì thôi.
* Tháo khăn quàng đỏ: Tay trái cầm nút khăn, tay phải cầm dải khăn phải phía trên nút, rút khăn ra.
  * Hô, đáp khẩu hiệu Đội
     Sau khi chào cờ, hát xong quốc ca, Đội ca, phụ trách, liên đội trưởng hoặc chi đội trưởng (nếu cấp trưởng vắng thì cấp phó, hoặc ủy viên Ban chỉ huy thay) hô khẩu hiệu đội: “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại – Sẵn sàng!”, toàn đơn vị hô đáp lại: “ Sẵn sàng!”, một lần, khi hô không giơ tay.
    -     Cầm cờ, gương cờ, vác cờ. (Khẩu lệnh khi thực hiện các động tác sử dụng cờ).
     * Cầm cờ: Bàn tay phải nắm cán cờ cao ngang thắt lưng, đốc cán cờ đặt trên mặt đất, sát ngón út bàn chân phải.
     + Cầm cờ ở tư thề nghiêm: khi có khẩu lệnh “ nghiêm!”, kéo cán cờ áp sát vào thân mình, người ở tư thế nghiêm.
     + Cầm cờ ở tư thế nghỉ: Khi nghe khẩu lệnh “ nghỉ!”, chân trái chùng và ngả cờ ra phía trước.
           * Giương cờ: Được thực hiện khi chào cờ, lễ duyệt Đội, diễu hành và đón đại biểu.
         + Từ tư thế cầm cờ nghiêm chuyển sang giương cờ: Tay phải cầm cờ giương lên trước mặt, tay thẳng và vuông góc với thân người, cán cờ dựng thẳng đứng. Tay trái nắm cán cờ dưới bàn tay phải khoảng 20cm – 30cm, tay phải di chuyển xuống nắm sát đốc cán cờ, kéo sát vào ngang thắt lưng đưa về tư thế giương cờ.
        + Từ tư thế vác cờ chuyển sang giương cờ: Tay phải kéo đốc cán cờ về sát thân người, tay trái đẩy cán cờ ra phía trước về tư thế giương cờ.
          Lưu ý: Khi thực hiện động tác này học sinh thường làm tắt chỉ thực hiện động tác 1 và 4 mà bỏ qua bước 2 và 3. TPT khi hướng dẫn học sinh thực hiện động tác này cần hướng dẫn từng bước một, tập chậm lại cho học sinh đến khi học sinh làm thuần thục.
             *Vác cờ: Được sử dụng khi diễu hành, khi đưa vào làm lễ chào cờ, lễ duyệt Đội, lễ đón đại biểu…
      Động tác, tư thế vác cờ: Từ tư thế cầm cờ nghiêm, tay phải cầm cờ giương lên trước mặt, tay thẳng và vuông góc với thân người, cán cờ dựng thẳng đứng. Tay trái nắm cán cờ dưới bàn tay phải khoảng 20cm – 30cm, tay phải di chuyển xuống nắm sát đốc cán cờ, đưa thẳng ra phía trước nghiêng với mặt đất một góc khoảng 45 độ, tay trái kéo cán cờ đặt lên vai phải đưa về tư thế vác cờ.
              -    Các động tác cá nhân tại chỗ và di động: ( Nghỉ, nghiêm, quay trái, quay phải, quay đằng sau, Dậm chân, chạy tại chỗ, tiến, lùi, sang trái, sang phải, đi đều, chạy đều.
     * Các động tác tại chổ và di động:
      + Đứng nghỉ: Người ở tư thế đứng, khi có khẩu lệnh “nghỉ!”, hai tay để thẳng thoải mái, chân trái hơi chùng xuống, trọng tâm dồn vào chân phải, khi mỏi có thể đổi chân.
       + Đứng nghiêm: Người ở tư thế đứng, khi có khẩu lệnh “nghiêm!”, người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, hai tay thẳng khép sát thân người, bàn tay nắm tự nhiên lòng bàn tay hướng vào thân người, hai chân thẳng, khép sát, hai bàn chân tạo thành hình chữ V (góc khoảng 60độ).
       + Quay bên trái: Khi có khẩu lệnh “Bên trái – quay!”, sau động lệnh “quay!” người đứng nghiêm, lấy gót chân trái làm trụ, mũi chân phải làm điểm đỡ, quay người sang phía trái một góc 90 độ, sau đó rút chân phải lên, trở về tư thế đứng nghiêm.
         + Quay bên phải: Khi có khẩu lệnh “Bên phải – quay!”, sau động lệnh “quay!” người đứng nghiêm, lấy gót chân phải làm trụ, mũi chân trái làm điểm đỡ, quay người sang phía phải một góc 90 độ, sau đó rút chân trái lên, trở về tư thế đứng nghiêm.
      + Quay đằng sau: Khi có khẩu lệnh “Đằng sau – quay!”, sau động lệnh “quay!” lấy gót chân phải làm trụ, mũi chân trái làm điểm đỡ, quay người sang phía phải một góc 180 độ, sau đó rút chân trái lên, trở về tư thế đứng nghiêm.
        Lưu ý: Ở động tác này học sinh thường mắc lổi quay sai hướng, rút chân và không rút chân khi quay. Khi quay 2 tay thường vung ra 2 bên trông không đẹp mắt. Ở động tác này khi hướng dẫn cho học sinh giáo viên – TPT cần hướng dẫn chậm lại từng động tác một cho các em làm thuần thục.
       + Dậm chân tại chỗ: Khi có khẩu lệnh “Dậm chân – dậm!”, sau động lệnh “Dậm!”, bất đầu bằng chân trái, dậm theo nhịp hô hoặc còi, trống, nhưng không chuyển vị trí. Khi đặt chân xuống đất, mũi chân đặt trước rồi đến gót chân. Tay phải vung về phía trước, bàn tay cao ngang thắt lưng, tay trái vung thẳng về phía sau. Khi có khẩu lệnh “Đứng lại – đứng!” (động lệnh “đứng!” rơi vào chân Phải), đội viên dậm chân thêm một nhịp ,kéo chân phải về tư thế nghiêm.
          Lưu ý: Khi thực hiện động tác này các em còn sai nhiều khi tham gia tập luyện, cách vung tay của các em còn sai nhiều đầu gối khi thực hiện động tác không nhấc cao, khi dừng lại thì không đúng chân. Khi hướng dẫn cho học sinh thực hiện động tác này giáo viên – TPT cần hướng dẫn các em chậm lại từng bước một đến khi làm đúng và thuần thục mới thôi.
         + Chạy tại chỗ: Khi có khẩu lệnh: “Chạy tại chỗ - chạy!”, sau động lệnh “chạy!”, bắt đầu bằng chân trái , chạy đều theo nhịp còi hoặc lời hô, nhưng không chuyển vị trí. Hai cánh tay co tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào thân người, bàn tay nắm, đánh nhẹ ở tư thế thoải mái vung dọc theo hướng chạy. Khi có khẩu lệnh “Đứng lại – đứng!” (động lệnh “đứng!” rơi vào vào chân phải), đội viên chạy thêm 3 nhịp nữa. Dậm chân phải  về tư thế nghiêm.
          Lưu ý: Động tác này học sinh thường vấp phải một số sai sót như khi chạy 2 tay các của em thả lỏng, thậm chí 1 số em còn gồng người quá nên khi thực hiện động tác này còn sai nhiều. Khi tập giáo viên cần hướng dẫn và tập cho các em chậm lại.
        + Tiến: Khi có khẩu lệnh “Tiến…bước – bước!”, sau động lệnh “bước!”, người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, bắt đầu bằng chân trái bước lên trước liên tục theo số bước người chỉ huy hô, khoảng cách bước chân bằng một bàn chân, bước xong, trở về tư thế nghiêm.
         + Lùi: Khi có khẩu lệnh “Lùi…bước – bước!”, sau động lệnh “bước!”, người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, bắt đầu bằng chân trái bước liên tục về phía sau theo số bước người chỉ huy hô, khoảng cách bước chân bằng một bàn chân, bước xong, trở về tư thế nghiêm.
          + Bước sang trái: Khi có khẩu lệnh “Sang trái…bước – bước!”, sau động lệnh “bước!”, người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, chân trái bước sang trái, chân phải bước theo (kiểu sâu đo), cứ như vây đến hết số bước người chỉ huy hô. Mỗi bước rộng bằng vai, bước xong trở về tư thế nghiêm.
          + Bước sang phải: Khi có khẩu lệnh “Sang phải…bước – bước!”, sau động lệnh “bước!”, người đứng thẳng, mắt nhìn thẳng, chân phải bước sang phải, chân trái bước theo (kiểu sâu đo), cứ như vây đến hết số bước người chỉ huy hô. Mỗi bước rộng bằng vai, bước xong trở về tư thế nghiêm.
           + Đi đều: Khi có khẩu lệnh: “Đi đều – bước!”, sau động lệnh “bước!”, bắt đầu bước bằng chân trái theo nhịp còi, trống hoặc lời hô. Tay phải đánh ra trước thắt lưng, tay trái vung thẳng ra sau đưa dọc theo người, bàn tay nắm tự nhiên, bước đều đặn, người thẳng, mắt nhìn thẳng. Khi có khẩu lệnh “Đứng lại – đứng!”, động lệnh “Đứng!” rơi vào chân phải, chân trái bước thêm một bước, rồi đưa chân phải lên, trở về tư thế đứng nghiêm.
         Đi đều khác dậm chân tại chỗ cơ bản ở bước chân di chuyển, đầu gối không nhấc cao, bước đi bình thường, gót chân xuống trước, mũi xuống sau, không đá hất chân về phía trước hoặc giật ra phía sau.
           + Chạy đều: Khi có khẩu lệnh: “Chạy đều – chạy!”, sau động lệnh “chạy!”, bắt đầu chạy bằng chân trái theo nhịp còi hoặc lời hô, đầu gối không nhấc cao, không đá chân, hai cánh tay co tự nhiên, lòng bàn tay hướng vào thân người, bàn tay nắm, đánh nhẹ ở tư thế thoải mái và vung dọc theo hướng chạy, người hơi đổ về trước. Khi có khẩu lệnh “Đứng lại – đứng!”, động lệnh “Đứng!” rơi vào chân phải, đội viên chạy thêm 3 bước nữa rồi đưa chân phải về tư thế nghiêm.
              -   Tập hợp 4 đội hình ( Hàng dọc, hàng ngang, chữ U, vòng tròn)so cự ly, điểm số báo cáo.
          * Đội hình hàng dọc: Đội hình hàng dọc để tập hợp điểm số báo cáo, khi hành tiến hoặc tổ chức các hoạt động.
          + Phân đội hàng dọc: Phân đội trưởng đứng đầu, các đội viên thứ tự xếp hàng từ thấp đến cao, phân đội phó đứng cuối hàng.
          + Chi đội hàng dọc: Các phân đội xếp hàng dọc, phân đội 1 làm chuẩn, các phân đội khác (theo thứ tự) đứng bên trái phân đội 1 (chi đội là đơn vị cơ sở, không nên coi đây là đội hình phân đội hàng dọc chi đội hàng ngang).
           + Liên đội hàng dọc: Các phân đội xếp hàng dọc, trên cùng là chi đội 1, các chi đội theo thứ tự đứng sau chi đội đứng đầu (Sắp xếp khi diễu hành).          
          * Đội hình hàng ngang: Phân đội trưởng đứng đầu, đội viên lần lượt đứng về phía trái phân đội trưởng từ thấp đến cao, phân đội phó đứng cuối hàng.
              * Đội hình chữ U: Đội hình chữ U được dùng khi tổ chức lễ chào cừ, lễ kết nạp đội viên và một số hoạt động ngoài trời.
              + Chi đội tập hợp chữ U: Phân đội 1 là một cạnh của chử U, các phân đội giữa làm đáy (có thể một hàng ngang hoặc 2, 3… hàng ngang), phân đội cuối làm cạnh kia của chữ U.
               Khi nghe lệnh tập hợp, các đội viên chạy tại chỗ, sau đó lần lượt chạy về vị trí theo điểm rót của phân đội, đến nơi thì đứng lại, (phân đội trưởng phân đội 1 chạm tay trái vào vai trái chi đội trưởng), quay trái vào trong chữ U, về tư thế nghiêm.
 Lưu ý: Khi tập hợp đội hình này học sinh thường hay sai về chỉnh đốn đội hình (cự ly rộng, cự ly hẹp). Chạy đội hình học sinh thường chưa xác đinh được hướng chạy. Khi hướng dẫn các em thực hiện giáo viên – TPT cần hướng dẫn chậm lại tập từng bước cho các em đến khi thực hiện đúng mới thôi.
              * Đội hình vòng tròn: Được sử dụng khi tổ chức các hoạt động tập thể như: Múa, hát, tổ chức trò chơi, lửa trại, sinh hoạt nội bộ ngoài trời. Khi có lệnh tập hợp, các đội viên chạy đều tại chỗ, sau đó lần lượt chạy về vị trí tập hợp theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, vừa chạy vừa điều chỉnh, khi chỉ huy bỏ tay xuống thì dừng lại và quay vào trong vòng tròn, về tư thế nghiêm.
3. 2.Trống đội
        -  Đánh trống Đội ( trống chào cờ, trống đệm Quốc ca, trống đệm Đội ca, trống chào mừng, trống hành tiến)
     Biện pháp thực hiện
        -  Giáo viên chép bài trống lên bảng, hướng dẫn học sinh học thuộc lời bài trống. Đọc lời bài trống theo nhịp.
       * Cách đánh 3 bài trống quy định:
         a. Trống chào mừng: Đánh trong lễ đón đại biểu, lễ chào mừng.
          + Cách đếm trống con bằng số:
                      *           *           *             *                 *                *
      2/4     / / : 1 1234 / 1 1234 / 1 1234 / 1 nghỉ  12 / 1 12 1 12 / 1
                              *      *        *
                   1234 / 1 12 1 12 / 1 nghỉ    ://
            + Cách đếm trống cái ghi bằng số:
     2/4     // 1 nghỉ / 2 nghỉ / 3 nghỉ / 4 nghỉ / 12 / 3 nghỉ / 22 / 3 nghỉ//
        b. Trống chào cờ: Đánh 3 hồi trong lễ chào cờ Đội. Mỗi lần cách nhau một phách nghỉ.
        + Cách đếm trống con ghi bằng số: (nhanh vừa phải - nhịp đi).
        2/4  // . Nghỉ 1 nghỉ 2 / nghỉ 3
                              *       *        *
                   1234//: 1  2  3  4  / 1
                              *       *         *
                   1234/   1  2  3  4  / 2(P)
                               *      *         *
                   1234/   1  2  3  4  /  3
                                *      *         *
                   1234/   1  2  3  4  /  4(P)
                                *     *         *
                   1234/   1  2  3  4  /  5
              * * * *  1*
               1234/56789/ nghỉ         1234: /  /  56789//
       (Chú ý: số 2 và 4 ở cuối dòng 2, 4 ghi như vậy để nhận biết là đếm 5 lần – còn khi đánh, số 2 và 4 là số của tay phải).
      + Cách đếm trống cái ghi bằng số:  (Nhịp đi - hơi chậm)
                   2/4    // 1 2  3 4 / 5 nghỉ //: 1 2 / 3 nghỉ /
                                                            /2 2/ 3 nghỉ/
                                                            /3 2 / 3 nghỉ/
                                                           /4 2 / 3 nghỉ/
                                                           /5 2 / 3 nghỉ/
                                                                    (Quay lại)
                              1 2 / 3 4 5 / nghỉ 1 nghỉ 2: / / 34 5 //.
      c. Trống hành tiến: Đánh khi đội hình hành tiến.
         + Cách đếm trống con bằng số:
                                         *           *            *          *
                               2/4  // 1 1234/ 1 nghỉ  / 1 1234/1 2 3 nghỉ   /
                              *            *                        *      *       *
                              1 2 1 12/1 2 3 nghỉ   /12345678/9 nghỉ    /
                             *     *             *     *        *
                             1 2/ 1 nghỉ    /1 2 /1  12 /1  12 3 4 /
                            *                      *        *         *
                            1 2 3 nghỉ    / 1234  5678/ 9 nghỉ   //
         + Cách đếm trống cái ghi bằng số:
                             2/4   // 1 nghỉ/ 2 nghỉ/ 3 nghỉ/ 4 nghỉ/
                                       5 nghỉ/ 6 nghỉ/ 1  2/ 3 nghỉ / /.   
  -   Hướng dẫn các em cách đưa tay đánh trống, cách đánh và cách đeo trống.
         * Tay phải (tay úp):
         Ký hiệu bằng chữ: P.
       - Ký hiệu số: 1, 3, 5, 7, 9… cầm dùi để gần sát mặt trống.
           * Tay trái (tay ngửa):
          Ký hiệu bằng chữ: T.
         - Ký hiệu số: 2, 4, 6, 8… cầm dùi cách mặt trống từ 10 – 15cm.
          * Trống Quốc ca:
          Nam đi…     cứu quốc… rộn vang trên...  xa…………..
          1    2     *   1   2   3   *    1     2     3   *    1 2 3 4 5 6 7 8 9
          Máu chiến thắng     nước….     xa chen khúc       ca…………..
          1       2       3  *        1   2   3   *  1    2    3  *         1 2 3 4 5 6 7 8 9
          Quang xây xác      thù… thắng   lao cùng nhau   khu………….
          1        2     3    *     1     2    3 *    1      2      3   *   1 2 3 4 5 6 7 8 9
          Dân chiến đấu  ngừng tiến   ra xa trường  tiến… lên      cùng tiến   lên……..
  1     2      3  *  1   2   3  *   1    2   3  *      1  2    3  *  1    2    3  *   123456789 
Nam ta…..     bền…………
  1     2      3  * 1 2 3 4 5 6 7 8 9.
* Trống Đội ca:
Nhau ta đi lên      thanh niên đi lên    gắng xứng danh     Hồ………..
1       2      3    *    1         2         3  *   1        2       3    *    1 -  1  2  3  4 5
Ta ghi sâu   tim không phai   danh thiếu niên   nhà………….
 1    2    3  *  1      2      3    *   1       2       3    *  1 – 1   2   3   4    5
          Tiến quyết tiến hướng quốc kỳ thắm tươi          ta  yêu tổ quốc suốt đời.
                             1 –    1      2      3      4        5      *     1 – 1    2    3      4     5 
          Yêu nhân dân     động tăng gia     đua học hành     xa……………
            1      2     3     *   1      2      3    *   1     2     3   *    1 – 2   3   4   5  
         - Cách đánh trống: Khi đánh tay phải (nốt chính) và tay trái (nốt phụ) rơi cùng một lúc xuống mặt trống đồng thời đảo tay. Chú ý nhấn mạnh vào nốt chính.
        -  Cách đeo trống: Dây trống vắt qua vai trái, mặt trống cái để chếch với mặt đất 1 góc 75 – 85 độ, mặt trống con để chếch với mặt đất 1 góc 15 – 30 độ.
        -  Giáo viên đánh trống mẫu cho học sinh nghe và đọc thầm.
        -   Giáo viên đánh trống mẫu học sinh đánh theo.
        -    Học sinh đánh trống giáo viên kiểm tra, sửa sai…cho đến khi các em đánh thành thạo.
         -  Cho học sinh thi đánh trống với nhau: Tổ với tổ, lớp với lớp, khối với khối.     Lưu ý:  Khi đánh trống các em thường hay sai về tư thế cầm dùi. Phân biệt phách mạnh, phách nhẹ, những chổ dồn 9 tiếng còn thiếu. Đánh nhanh so với quy định. Khi tập trống cho học sinh giáo viên cần tập chậm, hướng dẫn từng bước một, sửa sai cho học sinh đến khi các em đánh được thì mới thôi.
            3.3. Kết quả:
             Qua hai năm tổ chức thực hiện cho thấy phương pháp tập huấn trên đem lại kết quả khả quan, phần lớn các đội viên tự tin, mạnh dạn, thành thạo các hoạt động tập thể, đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, giúp các em hoàn thiện nhân cách của con người mới. Các em chi đội trưởng  thể hiện tốt vai trò chi huy của mình trước tập thể. Khi các em sang cấp 2 các em cũng được bầu vào ban chỉ huy chi đội, liên đội và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
   Với những biện pháp tổ chức trên các em đội viên ôn được nhiều  kiến thức cơ bản, nâng cao, phục vụ tốt cho việc học tập và sinh hoạt Đội. Trong các hội thi các em thể hiện vai trò, vị trí, trách nhiệm của từng em trước tập thể. Từ đó các em đoàn kết, phấn đấu vì danh dự của chi đội mình được mang tên và  khắc phục những khó khăn trong cuộc sống  hằng ngày.
            Giáo viên phụ trách chi đội có thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn công tác Đội và trở thành những phụ trách  giỏi, luôn hỗ trợ cho các hoạt động của liên đội.
            Mỗi chi đội thành lập ít nhất có 1 đội trống( 5 em) thành thạo 5 bài trống Đội các em đội viên nắm vững  kỷ năng nghi thức Đội. Kết quả kiểm tra 100% đội viên hoàn thành tốt chuyên hiệu Nghi thức Đội, 85 % đội viên đánh được 3 bài trống quy định.
           Liên đội thành lập đội nghi lễ 20 em thực hiện thành thạo 5 bài trống Đội. Đảm nhiệm đánh trống tốt cho các lễ chào cở đầu tuần, cuối tuần, khai giảng, tổng kết năm học… Mỗi khi tham gia hội thi chỉ huy đội giỏi, nghi thức Đội cấp huyện liên đội luôn đạt kết quả tốt. Hàng năm được Hội đồng đội huyện về kiểm tra đánh giá xếp loại tốt.
         Kết quả cụ thể được thể hiện trong các bảng thống kê sau:
1.     Thống kê số học sinh ham thích hoạt động Đội trong 2 năm
Năm  học Số HS yêu thích hoạt động Đội Số HS không có ý kiến về hoạt động Đội Số HS không thích
Hoạt động Đội
2011- 2012 55% 30% 15%
2012-2013 95% 5% 0%
 
2.     Thống kê số lượng và kết quả thực hiện các kỷ năng hoạt động
TT Các kỷ năng S.lượng được tập huấn Kết quả thực hiện đầu năm Kết quả thực hiện cuối năm
1 Biết đánh 5 bài trông 20 45% 90%
2 Thực hiện tốt nghi thức 15 52% 97%
3 Biết thực hiện các bài múa hát quy định 50 56% 100%
         
 
   3.4. Bài học kinh nghiệm:
             Với những thuận lợi và khó khăn trên nhưng trong những năm qua liên Đội  đã  xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện rút ra được một số bài học như sau;
             Để đạt được những kết quả như trên đòi hỏi người giáo viên Tổng phụ trách chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, kịp thời, phân công nhiệm vụ rõ ràng, tham mưu tốt với Ban Giám Hiệu, chi Đoàn và các ban ngành trong và ngoài trường cùng tham gia.
            Tuyên truyền giáo dục các em ý thức tổ chức kỷ luật, thi đua học tập tốt và xây dựng tình đoàn kết thân ái. Xem đây là dịp để các em thể hiện khả năng của mình, tự khẳng định mình trong quá trình  rèn luyện phấn đấu theo chương trình rèn luyên đội viên.
            Qua những lần sinh hoạt tập thể các em chỉ huy mạnh dạn, tự tin thể hiện  vai trò, vị trí và khả năng chỉ huy trước tập thể. Ngoài ra các em còn biết và phụ giúp nhiều việc cho giáo viên phụ trách chi đội. Những chi đội có chỉ huy đội đạt loại giỏi nề nếp lớp rất ngoan, học tập tốt.
     Thông qua những hoạt động này, các em có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, giao lưu, học hỏi, phát triển năng khiếu, mở rộng sự hiểu biết của mình. Từ đó các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, Chỉ huy Đội giỏi. Phấn đấu trở thành lực lượng kế cận của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
 C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
         1. Kết luận:
          Đội TNTP Hồ Chí Minh lấy phương pháp tổ chức các hoạt động thực tiễn làm phương pháp công tác của tổ chức để giáo dục Đội viên, Nhi đồng theo các mặt: đạo đức, trí tuệ, sức khoẻ, thẩm mĩ, nghề nghiệp... mà người Tổng phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ hướng dẫn, phụ trách trực tiếp Đội viên, Nhi đồng tổ chức các hoạt động thực tiễn để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức Đội. Do vậy những biện pháp tổ chức tập huấn trên, giúp cho các em học sinh phát triển toàn diện về mọi mặt, cân bằng giữa học tập, vui chơi và sinh hoạt Đội. Đây là phương pháp tổ chức có hiệu quả nhất để các em phát triển chức năng tâm sinh lý, hình thành nhân cách, mà nhiều  giáo viên và phụ huynh chưa thấy hết được. Qua các hoạt động của liên đội học sinh làm quen với một số kỹ năng trong cuộc sống. Từ đó các em tự tin, sáng tạo, phát huy hết khả năng, năng khiếu vốn có của mình. Để khi lớn lên các em xa vòng tay bố mẹ các em không bỡ ngỡ và tự mình lo cho bản thân mình.
            Đây cũng là dịp Tổng phụ trách phát huy khả năng xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp với các ban ngành và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đề ra. Ngoài ra  Tổng phụ trách, thầy cô giáo chủ nhiệm lựa chọn  được những em có khả năng làm lớp trưởng, chi đội trưởng , liên đội trưởng.
          Thực tế trong thời gian qua Liên đội đã đưa ra những biện pháp tổ chức tập huấn nghi thức - Trống Đội, thu hút được 100 % đội viên tham gia sôi nổi, đạt kết quả cao.
         2.Kiến nghị:
     - Ngành giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động Đội trong các nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên làm công tác Đội( Nhất là bán chuyên trách ) trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
      - Hội đồng Đội tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng công tác Đội cho đội ngũ giáo viên  tổng phụ trách cần nâng cao chất lượng về chuyên môn và có sự đầu tư hơn về nội dung, phương pháp.
      -  Ban giám hiệu các nhà trường cần quan tâm và tạo điều kiện mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho hoạt động Đội được tốt hơn.
          Trên đây là một số kinh nghiệm được đúc rút qua thực tế làm công tác Đội  trong những năm qua. Nhưng đây chỉ mới là một hoạt động nhỏ trong chương trình đội em vững mạnh. Tôi rất mong sự đóng góp ý kiến quý báu của các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp để đề tài tôi hoàn thiện hơn, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Đội trong trường học trong thời kỳ mới.
 D.  TÀI LIỆU THAM KHẢO
-  Sách giáo khoa người phụ trách cần biết- NXB thanh niên 2007
- Sổ tay đội viên-NXB Kim Đồng.
-  Báo người phụ trách –Tạp chí lý luận nghiệp vụ công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
- Cẩm nang thực hiện chương trình Rèn luyện phụ trách Đội tập 2 – NXB thanh niên./.
                                                              Xin chân thành cảm ơn!
                                                                          
 
 
 
 
                                     
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
                                         

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Minh Thơ

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay400
  • Tháng hiện tại8,176
  • Tổng lượt truy cập1,780,658
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây