THÔNG TƯ Quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục

THÔNG TƯ
Quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục

Số kí hiệu Số: 27/2016/TT-BGDĐT
Ngày ban hành 30/12/2016
Ngày bắt đầu hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Thể loại Văn bản cấp trên
Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo
Cơ quan ban hành Bộ GD&ĐT
Người ký Phạm Mạnh Hùng

Nội dung

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 
 
 

Số: 27/2016/TT-BGDĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 
 

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016
 
THÔNG TƯ
Quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ                            của ngành Giáo dục
 
    Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
          Căn cứ Luật Lưu trữ ngày 11 tháng 11 năm 2011;
          Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ;
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 5434/BNV-VTLTNN ngày 18/11/2016 về việc góp ý dự thảo Thông tư quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu;
          Theo đề nghị của Chánh Văn phòng,
          Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục.
          Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
          1. Thông tư này quy định thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục.
          2. Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, trường đại học, các đại học, học viện, cơ sở giáo dục khác và các các tổ chức, cá nhân có liên quan (sau đây gọi chung là các cơ quan, đơn vị).
          Điều 2. Tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục
            1. Tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục là vật mang tin hình thành trong quá trình giải quyết công việc để phục vụ cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về giáo dục và đào tạo của cơ quan, đơn vị.
          Tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục gồm văn bản giấy; phim, ảnh; băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh; tài liệu điện tử và các vật mang tin khác.
          2. Hồ sơ chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục là một tập tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục có liên quan với nhau về một vấn đề, một sự việc, một đối tượng cụ thể hoặc có đặc điểm chung.
          Điều 3. Các nhóm và thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục
1. Các nhóm tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục gồm:
Nhóm I. Tài liệu chung về giáo dục và đào tạo
          Nhóm II. Tài liệu về giáo dục mầm non
          Nhóm III. Tài liệu về giáo dục phổ thông
          Nhóm IV. Tài liệu về giáo dục thường xuyên
          Nhóm V. Tài liệu về đào tạo trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm; đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; nghiên cứu khoa học 
          Nhóm VI. Tài liệu về giáo dục quốc phòng và an ninh
          Nhóm VII. Tài liệu về giáo dục dân tộc
          Nhóm VIII. Tài liệu về kiểm định chất lượng giáo dục
Nhóm IX. Tài liệu về văn bằng, chứng chỉ
          Nhóm X. Tài liệu về học phí, học bổng, chính sách hỗ trợ người học 
          Nhóm XI. Tài liệu về công tác học sinh, sinh viên
          Nhóm XII. Tài liệu về đào tạo với nước ngoài
          Nhóm XIII. Tài liệu về công tác nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục
          Nhóm XIV. Tài liệu về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em
          Nhóm XV. Tài liệu về công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy và học.
          2. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục là khoảng thời gian cần thiết để lưu giữ hồ sơ, tài liệu tính từ năm công việc kết thúc. Thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu gồm hai mức sau:
          a) Bảo quản vĩnh viễn: Hồ sơ, tài liệu thuộc mức này được lưu giữ cho đến khi tài liệu tự hủy hoại và không thể phục chế;
          b) Bảo quản có thời hạn: Hồ sơ, tài liệu thuộc mức này được lưu giữ với thời hạn tính bằng số năm cụ thể hoặc khoảng thời gian nhất định.
          3. Thời hạn bảo quản các nhóm hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục được quy định cụ thể tại Bảng thời hạn bảo quản kèm theo Thông tư này.
          Điều 4. Sử dụng Bảng thời hạn bảo quản tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của ngành Giáo dục
          1. Tài liệu quy định tại Bảng thời hạn bảo quản bao gồm bản gốc, bản chính hoặc bản sao hợp pháp trong trường hợp không còn bản gốc, bản chính.
          2. Mức xác định thời hạn bảo quản cho mỗi hồ sơ, tài liệu cụ thể của cơ quan, đơn vị không được thấp hơn mức quy định tại Bảng thời hạn bảo quản.
3. Khi lựa chọn tài liệu giao nộp vào Lưu trữ lịch sử, cơ quan, đơn vị phải xem xét mức độ đầy đủ của khối (phông) tài liệu, đồng thời lưu ý đến những giai đoạn, thời điểm lịch sử để có thể nâng thời hạn bảo quản của tài liệu lên cao hơn so với mức quy định.
4. Đối với hồ sơ, tài liệu đã hết thời hạn bảo quản, Hội đồng xác định giá trị tài liệu của cơ quan, đơn vị xem xét, đánh giá để tiêu hủy theo quy định của pháp luật hoặc kéo dài thêm thời hạn bảo quản.
5. Đối với hồ sơ, tài liệu chưa được quy định tại Bảng thời hạn bảo quản, cơ quan, đơn vị có thể vận dụng mức thời hạn bảo quản của nhóm hồ sơ, tài liệu tương ứng trong Bảng để xác định.
          Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
          1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2017.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
 
Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ);
- Cục KTVBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ GDĐT;
- Như Điều 5;
- Lưu: VT, VP, Vụ PC.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 
 
(đã ký)
 
 
Phạm Mạnh Hùng
 

 

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập187
  • Hôm nay4,227
  • Tháng hiện tại25,491
  • Tổng lượt truy cập2,000,463
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây