V/v tổ chức Giao lưu “Tuổi thơ khám phá” cấp Huyện cho học sinh lớp 4, 5 cấp Tiểu học Năm học 2016-2017

V/v tổ chức Giao lưu “Tuổi thơ khám phá” cấp Huyện cho học sinh lớp 4, 5 cấp Tiểu học
Năm học 2016-2017

Số kí hiệu Số: 117 /PGDĐT-CMTH
Ngày ban hành 14/04/2017
Ngày bắt đầu hiệu lực
Ngày hết hiệu lực
Thể loại Văn bản cấp trên
Lĩnh vực Giáo dục và đào tạo
Cơ quan ban hành Phòng GD&ĐT Huyện Đức Thọ
Người ký Trịnh Hồng Mạnh

Nội dung

UBND HUYÊN ĐỨC THỌ
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 117 /PGDĐT-CMTH
V/v tổ chức Giao lưu “Tuổi thơ khám phá” cấp Huyện cho học sinh lớp 4, 5 cấp Tiểu học
Năm học 2016-2017
Đức Thọ, ngày 14  tháng   năm 2017
 
Kính gửi: Các trường tiểu học trong toàn huyện.
          Thực hiện kế hoạch năm học 2016 – 2017, Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường một số nội dung về việc tổ chức “Giao lưu Tuổi thơ khám phá” cấp huyện cho học sinh khối 4 và khối 5,cụ thể như sau:
          I. Nội dung và hình thức Giao lưu
          Giao lưu Tuổi thơ khám phá gồm có 3 phần:
          Phần 1. Khởi động
          - Thời gian: 25 phút
          - Nội dung: Các đội chơi làm việc theo nhóm, vẽ một bức tranh theo chủ đề tự chọn của đội mình trên khổ giấy A3, trên nền nhạc đệm (thực hiện quy trình vẽ tranh theo nhạc, phương pháp dạy học Mĩ thuật Đan Mạch) sau đó thảo luận viết ý nghĩa của bức tranh vào phiếu và cử đại diện nhóm trình bày (hùng biện).
          - Hình thức tổ chức:
          Ban tổ chức bố trí chỗ ngồi theo nhóm cho các đội chơi, chuẩn bị các dụng cụ, vật liệu (Giấy A3, bút vẽ, màu, mẫu giấy viết dành cho phần hùng biện nêu ý nghĩa bức tranh, bảng nhóm,…)
Khi có hiệu lệnh tất cả các đội cùng làm, đội nào làm xong thì phất cờ báo hiệu; Giám khảo ghi kết quả; Hết thời gian 25 phút của phần thi các đội nộp kết quả cho ban giám khảo.
          - Cách tính điểm: 2 đến 3 đội nhanh nhất được thưởng điểm, điểm của phần thi gồm điểm thưởng cộng với điểm vẽ bức tranh và điểm nêu ý nghĩa bức tranh. Điểm tối đa cho phần thi này là 40 điểm, trong đó điểm thưởng tối đa là 5 điểm, điểm phần nêu ý nghĩa bức tranh tối đa là 10 điểm.
          Lưu ý:
-  Sau khi hết 25 phút làm bài, ban tổ chức mới tổ chức cho học sinh trình bày hùng biện nội dung ý nghĩa bức tranh của đội mình vẽ.
- Các đơn vị căn cứ vào số đội chơi để quyết định số đội được thưởng điểm. Số đội được thưởng điểm ít hơn số đội dự thi.
Phần 2. Khám phá
          - Thời gian: 15 phút.
          - Nội dung: Kiểm tra kiến thức các môn học và các hoạt động giáo dục (Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Đạo đức, Kĩ năng sống…) Ban tổ chức soạn thành bộ câu hỏi (tự luận hoặc trắc nghiệm).          
- Hình thức tổ chức:
- Bước 1: Ban giám khảo phát đề câu hỏi mở (1 câu) cho từng đội, cả đội thảo luận và ghi kết quả trong vòng 2 phút.
- Bước 2: Ban giám khảo phát phiếu ghi các câu hỏi cho cá nhân của các đội chơi, từng cá nhân học sinh viết câu trả lời vào phiếu. (19 câu hỏi còn lại)
Bộ câu hỏi gồm:
- 10 câu trắc nghiệm có đáp án để học sinh học sinh lựa chọn.
- 9 câu hỏi yêu cầu học sinh trả lời bằng cách đưa ra một đáp án.
          - 01 câu hỏi mở để học sinh có thể đưa ra được nhiều đáp án, trong cùng một thời gian đội nào tìm được nhiều kết quả đúng thì đội đó giành được điểm tối đa của câu hỏi mở, những đội có số đáp án ít hơn liền kề thì có số điểm ít hơn đội cao hơn liền kề là 1 điểm.
          - Cách tính điểm:
Tính điểm toàn đội: là điểm bình quân của tất cả các thành viên ở 19 câu hỏi cộng với điểm của câu hỏi mở của toàn đội) không tính thành tích cá nhân. Điểm tối đa cho phần thi này là 60 điểm, trong đó điểm tối đa của câu hỏi mở là 12,5 điểm
Lưu ý: Hệ thống câu hỏi, bài tập trong phần này là những kiến thức phổ thông, thường thức và toàn diện, không đánh đố học sinh; có các câu hỏi tìm hiểu kiến thức địa phương.
Cụm tổ chức đồng thời cả 2 khối 4;5 cùng một lúc cho học sinh tham gia ở cả 2 phần giao lưu này.
Phần 3.  Giao lưu “Chung sức” hoặc “Kể chuyện theo sách”
1. Đối với các cụm đã tổ chức Giao lưu Ngày Hội sách tại cụm
- Tổ chức phần giao lưu “Chung sức” qua trò chơi và chỉ dùng để thưởng cho các đội giành phần thắng theo giải do cụm quy định. Kết quả phần giao lưu này không tính vào tổng điểm để xếp giải cho các đội chơi.
          - Thời gian: Căn cứ vào thực tế số lượng đội chơi.
          - Nội dung: Các thành viên trong đội chung sức để thi đấu với đội bạn về một trò chơi vận động.
          - Hình thức tổ chức: Ban tổ chức chọn một trò chơi vận động phù hợp và vui nhộn để cho các đội thi đấu với nhau, có thể tổ chức đấu loại trực tiếp hoặc đấu loại vòng tròn tùy theo số lượng đội chơi và tính chất của trò chơi được chọn (kéo co, chuyền bóng, nhảy dây tập thể, cướp cờ,…).
          2. Đối với các cụm chưa tổ chức Giao lưu Ngày hội sách tại cụm
- Tổ chức phần giao lưu “Kể chuyện theo sách”. Kết quả của phần giao lưu này chỉ dùng để khen thưởng cho các đội tham gia Giao lưu theo giải do cụm quy định,  không tính vào tổng điểm để xếp giải cho các đội chơi.
- Nội dung chủ đề
Nội dung câu chuyện là những mẩu chuyện đăng trên sách báo, tạp chí được phép lưu hành, phù hợp với lứa tuổi, có tác dụng giáo dục; phản ánh về đất nước, con người Việt Nam, về tình yêu quê hương, yêu biển đảo, tình cảm gia đình, tình bạn trong sáng của lứa tuổi học trò, tinh thần ham hiểu biết, say mê học tập, nghiên cứu, những mẩu chuyện về Bác Hồ kính yêu, về các danh nhân, các anh hùng liệt sỹ …
- Hình thức
Mỗi trường tham gia kể 1 câu chuyện (khuyến khích các tiết mục kể chuyện có minh họa)
Thang điểm các cụm có thể tham khảo dùng để đánh giá phần giao lưu kể chuyện. (10 điểm), trong đó:
           + Nội dung (6 điểm), gồm:
- Xuất xứ (1 điểm): giới thiệu câu chuyện đã đọc ở tài liệu nào? Tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản?
- Nội dung (4 điểm): Nội dung câu chuyện phù hợp với đặc diểm tâm lý và trình độ nhận thức của học sinh tiểu học; Kể được đầy đủ nội dung của câu chuyện theo tài liệu.
- Bài học rút ra qua câu chuyện (1 điểm).
          +  Hình thức (4 điểm), trong đó:
          - Phong thái, ngôn ngữ (2,5 điểm): Phong thái tự tin; giọng kể rõ ràng, rành mạch và truyền cảm; điệu bộ, cử chỉ phù hợp.
- Minh họa (1,5 điểm): Sinh động, phù hợp với nội dung câu chuyện, nếu phần minh họa không gắn với nội dung chuyện kể hoặc không thể hiện được nội dung lời kể…. thì không được tính điểm phần minh họa.
- Thời gian: Mỗi đơn vị trường tham gia kể chuyện không quá 12 phút.
           Lưu ý: Giữa các phần giao lưu và trong các thời gian chờ đợi có thể tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các đội chơi, giao lưu với khán giả.
          II. Cách tính điểm toàn đội và xếp giải
          1. Cách tính điểm toàn đội
          Điểm của toàn đội là tổng điểm của 2 phần thi: Khởi động và khám phá (tối đa 100 điểm).
          2. Xếp giải
          - Giải tập thể: Ban Tổ chức căn cứ vào số lượng đội chơi để quy định số lượng và tỉ lệ các loại giải; căn cứ vào số điểm của mỗi đội đạt được để xếp giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. 
          - Giải cá nhân: Trên cơ sở quy định số lượng các loại giải tập thể, Ban tổ chức quy định số lượng các loại giải cá nhân (Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích). Nếu đội đạt giải nhất được bầu 4 em đạt giải nhất, đội đạt giải nhì được bầu 3 em đạt giải nhất, đội đạt giải ba được bầu 2 em đạt giải nhất, đội đạt giải khuyến khích được bầu 1 em đạt giải nhất,
           - Sau khi có kết quả của phần thi Khám phá, ban giám khảo cung cấp kết quả điểm thi của từng cá nhân cho các đội chơi và tổ chức cho học sinh trong các đội chơi bình chọn giải cá nhân theo cơ cấu giải thưởng cá nhân được quy định cho mỗi đội.
          III. Đối tượng, số lượng và điều kiện tham gia
          1. Đối tượng
          Học sinh đang học lớp 4, lớp 5 tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện.
          2. Số lượng
 Căn cứ vào nhu cầu, khả năng của học sinh và điều kiện của mỗi trường để đăng ký tham gia, Phòng khuyến khích mỗi trường có ít nhất 01 đội tham gia, với số lượng học sinh trong mỗi đội là 06 em; riêng một số trường lớn có thể đăng ký 2 đội tham gia.
          3. Điều kiện
          Căn cứ vào số lượng đội chơi, số học sinh trong mỗi đội, nhà trường cho học sinh tự nguyện đăng kí tham gia.
          IV. Tổ chức thực hiện
1. Giao lưu Tuổi thơ khám phá” cấp huyện được tổ chức tại các cụm thi đua, Phòng GD&ĐT ra đề thi chung toàn huyện cho phần Khám phá.
2. Phòng giao các cụm trưởng tổ chức họp với các trường trong cụm bàn về công tác tổ chức và các điều kiện chuẩn bị cho phần “Khởi động”, phần “Chung sức” hoặc “Kể chuyện theo sách” và câu hỏi giao lưu với khán giả để thực hiện kế hoạch Giao lưu Tuổi thơ khám phá.
3. Thời gian tổ chức:  Ngày 25 tháng 4 năm 2017.
4. Các trường nạp danh sách các đội đăng ký Giao lưu cấp huyện và hệ thống câu hỏi phần Khám phá khối 4,5 về bộ phận chuyên môn tiểu học Phòng GD&ĐT trước ngày 18/4/2017.
          - Những học sinh đạt giải Nhất trong Giao lưu Tuổi thơ khám phá cấp huyện được Phòng đề nghị Sở GD&ĐT tặng Giấy khen (đạt thành tích xuất sắc trong Giao lưu Tuổi thơ khám phá năm học 2016 - 2017).
          5. Yêu cầu
          - Tổ chức riêng cho từng khối lớp 4; khối lớp 5 trong cùng một thời điểm ở nội dung vẽ tranh và làm bài thi phần Khám phá.
- Mỗi đội về tham gia giao lưu mặc đồng phục trường mình, có mũ logo  đội đầu. 
          - Việc tổ chức Giao lưu cần đơn giản, gọn nhẹ, thiết thực nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích, tạo hứng thú học tập và rèn luyện toàn diện cho học sinh tiểu học; không phô trương, hình thức, gây tốn kém lãng phí.
          Trên đây là hướng dẫn tổ chức Giao lưu Tuổi thơ khám phá cấp huyện cho học sinh lớp 4 và lớp 5 năm học 2016-2017, Phòng GD&ĐT yêu cầu các cụm trường chỉ đạo và thực hiện đúng theo tinh thần của công văn. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn báo cáo về Phòng (qua bộ phận chuyên môn tiểu học) để được hướng dẫn thêm./.
Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Lãnh đạo và chuyên viên TH;
- Lưu VT.
 KT. TRƯỞNG PHÒNG
   PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
                                (đã ký)
 
Trịnh Hồng Mạnh
 
 

 

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay286
  • Tháng hiện tại1,562
  • Tổng lượt truy cập1,774,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây