8 việc giáo viên không nên ... khi lên lớp
- Thứ bảy - 16/09/2017 09:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giáo viên là linh hồn của lớp học, mang trong mình trọng trách lớn lao, đồng thời cũng có những quyền hạn nhất định. Tuy nhiên, giáo viên cũng là con người, cũng có tình cảm, có suy nghĩ, nên đôi khi vẫn có thể đưa ra những quyết định sai lầm.
1. Nổi giận
Nổi giận trong bất cứ tình huống nào cũng đều có thể biến thành một thảm họa. Đối với nền giáo dục châu Á thì điều này còn mang tiếng xấu. Tâm trạng của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh, đôi khi bạn muốn giữ bình tĩnh nhưng lại không kiềm chế được bản thân. Khi bạn cảm thấy tâm trạng mình thực sự không tốt, dễ kích động thì cách tốt nhất là bạn nên tạm thời đi ra khỏi lớp học. Việc tạm thời rời khỏi lớp học để bạn cảm nhận được tình huống đang xảy ra, lúc này bạn cần tìm ra phương pháp giúp mình trấn tĩnh lại một cách nhanh nhất hoặc có thể đếm từ 1 đến 100, sau đó bạn sẽ quay trở lại lớp học và đối diện với học sinh.
2. Mất quyền kiểm soát lớp học
Trong bất cứ tình huống nào cũng không nên dễ dàng để học sinh phá vỡ trật tự lớp học. Một khi bạn đã mất nó thì bạn phải mất rất nhiều công sức mới có thể lấy lại được. Đặc biệt là khi bạn cho chúng chơi trò chơi hoặc tham gia hoạt động gì đó, học sinh sẽ dễ kích động, hò hét vì quá hưng phấn. Nếu như thái độ của bạn có phần tiêu cực, dễ dãi thì chúng sẽ càng làm tới, và ngày càng không tôn trọng bạn. Khi trật tự lớp học bị phá vỡ thì bạn nên làm một động tác nào đó để thu hút sự chú ý của chúng (ví dụ: chạm vào mũi, đặt tay lên đầu...), khi nhìn thấy giáo viên như vậy, học sinh sẽ làm theo, bạn sẽ làm như thế cho tới khi tất cả học sinh trong lớp đều làm theo và lớp trở lên yên ắng.
3. Quá nhiều phiếu học tập
Không nên phát cho học sinh quá nhiều phiếu học tập, không nên để chúng viết hết phiếu này tới phiếu khác, cách tốt nhất là nên thu hút học sinh tập trung vào bài học, nên tận dụng bảng đen để tiến hành dạy học.
4. Chế giễu học sinh
Một điều chúng ta nên hiểu đó là không nên chế giễu học sinh, đôi khi cách trêu đùa hay bình luận cũng vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Khi lên lớp bạn cần vận dụng tính hài hước của mình để góp phần làm bầu không khí học tập thêm vui vẻ, nhưng nên biết cách vận dụng sao cho không mạng lại kết quả xấu. Bạn nên là tấm gương để cho học sinh thấy rằng không nên thỏa mãn tính hài hước của mình bằng việc chế giễu hay mỉa mai người khác. Cách tốt nhất bạn nên làm là chê ít khen nhiều.
5. Ngồi một chỗ dạy
Trừ khi bạn cảm thấy mệt mỏi hay đi lại khó khăn thì mới nên ngồi 1 chỗ dạy, bởi khi bạn ngồi như vậy sẽ khiến học sinh cảm thấy bạn đang lười biếng. “ Dạy học” chính khoảng thời gian bạn dùng kiến thức để tương tác với học sinh, dẫn dắt học sinh suy nghĩ. Là một giáo viên bạn sẽ không mong rằng học sinh chỉ biết ngồi im một chỗ, tốt nhất là nên biết kết hợp giữa “động” và “ tĩnh”. “Tĩnh” là biết ngồi im lắng nghe cô giảng bài, “động” là tích cực tham gia các hoạt động, các trò chơi hoặc tham gia thảo luận. Tương tự, giáo viên cũng vậy, cũng cần phải kết hợp “động-tĩnh” hài hòa, ngoài việc đứng trên bục giảng, bạn cũng nên đi đi lại lại trong lớp để quan sát học sinh kỹ hơn.
6. Thói quen tới lớp muộn
Giáo viên luôn là tấm gương để học sinh noi theo. Do vậy nhất cử nhất động của giáo viên đều ảnh hưởng trực tiếp tới học sinh. Nếu như bạn thỉnh thoảng tới lớp muộn thì không sao, nhưng nếu việc đó diễn ra thường xuyên tạo thành thói quen thì sẽ khiến học sinh có suy nghĩ “tới muộn cũng chẳng sao, dù sao cô giáo cũng tới muộn mà” từ đó bắt chước cô giáo. Nếu như bạn tới muộn thì nhất định phải công khai xin lỗi học sinh, khiến chúng hiểu được tầm quan trọng của việc tới “đúng giờ”.
7. Cách dạy rập khuôn
Có một số giáo viên lên lớp rất máy móc, thường chỉ đọc nguyên trong giáo án ra chứ không biết cách thiết kế các bài giảng khác nhau. Không khí lớp học trầm lắng, tẻ nhạt sẽ khiến ham muốn học hành của học sinh giảm đi, đặc biệt học ngoại ngữ thì càng phải nói nhiều, càng cần có các động tác mô phỏng, vận dụng các từ hoặc các câu đã học để ghi nhớ chúng lâu hơn. Cũng giống như đứa trẻ 1 tuổi học nói, nó không đơn thuần là ngồi im để nghe 1 loạt các câu chuyện mà bố mẹ chúng kể mà nó còn không ngừng nói theo, kể theo. Giáo trình chỉ là cung cấp tài liệu và khung bài học cần dạy, còn việc kết hợp thể hiện bài dạy như thế nào thì đó là trách nhiệm của mỗi giáo viên.
8. Thiên vị
Mỗi một học sinh khi lên lớp đều mong muốn giáo viên quan tâm mình, hướng dẫn cho mình. Tất nhiên giáo viên cũng không phải là không có những học sinh mà mình yêu thích, nhưng giáo viên không nên thể hiện ra các hành vi thiên vị, cục bộ của mình. Có thể bạn vốn dĩ không thích một loại người nào đó, nhưng là giáo viên bạn cần phải thể hiện sự công bằng tới tất cả các học sinh, biết cách quan tâm và khen ngợi chúng thích hợp.
Ở lứa tuổi này học sinh bắt chước rất nhanh, do vậy thân là một giáo viên bạn cần đặc biệt chú ý tới lời ăn tiếng nói, nhất cử nhất động của mình để làm sao không khí học tập của lớp và việc dạy của bạn không bị ảnh hưởng bởi 8 việc trên!