Lỗi của học sinh lớp 5 khi làm văn tả cảnh - nguyên nhân và giải pháp
- Thứ bảy - 16/09/2017 09:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông qua việc phát hiện và phân tích những lỗi thường gặp của học sinh khi thực hành là một giải pháp sư phạm tích cực để giúp học sinh nắm vững kiến thức để tự tin hơn vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Khi làm văn tả cảnh, học sinh thường mắc những lỗi gì?
Mục tiêu của việc dạy văn Tả cảnh ở lớp 5 là thông qua hệ thống bài tập rèn các kỹ năng phân tích đề, quan sát đối tượng miêu tả, lập dàn ý trong bài văn tả cảnh, xây dựng các đoạn văn và liên kết các đoạn văn thành bài văn hoàn chỉnh.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều học sinh không đạt được mục tiêu đề ra. Các em chưa có kỹ năng viết văn tả cảnh, thụ động trông chờ sự gợi ý và chữa bài của thầy cô và các bạn khá giỏi. Trải qua việc dạy các em làm văn ta cảnh, ta có thể nhận thấy và rút ra những điều gì?
Lỗi về câu
1. Học sinh dùng từ sai do hiểu không đúng nghĩa
Ví dụ: Cảnh vật thiên nhiên trong đêm trăng thật tươi đẹp. Em cảm thấy quê em thật hiền hòa.
Câu trên dùng sai từ “hiền hòa” cần thay bằng từ “thanh bình”.
Ví dụ: Sân trường to mênh mông thỏa thích cho chúng em chơi.
Học sinh đã dùng “to mênh mông” là không phù hợp.
Thay cụm từ “to mênh mông” bằng “rộng thênh thang”
2. Học sinh dùng từ kết nối ý sai
Ví dụ: Dòng sông quê hương đã để lại trong tôi bao nhiêu kỷ niệm nhưng tôi chẳng muốn rời xa.
Học sinh dùng sai từ “nhưng”, lẽ ra dùng từ “nên”.
3. Học sinh lặp cụm từ làm câu rườm rà
Ví dụ: Quê ngoại em là một vùng quê ven sông Hồng, quê ngoại em có đồng lúa rộng, quê ngoại em có một đầm sen nở hoa thơm ngát.
Trong ví dụ trên học sinh đã lặp đi lặp lại “quê ngoại em”, có thể thay thế bằng các từ “nơi ấy” /“nơi đó” hoặc sử dụng các liên từ kết nối ý:
Quê ngoại em là một vùng quê ven sông Hồng có đồng lúa rộng và có một đầm sen nở hoa thơm ngát.
4. Học sinh viết câu dài dòng
Ví dụ: Trong nhà em có rất nhiều thứ như là có ba cái giường có hai cái tủ một cái bàn và một cái ti vi.
Học sinh viết quá rườm rà, dài dòng vì chưa biết vận dụng các dấu câu hợp lý. Có thể sửa lại:
Trong nhà em có rất nhiều thứ: ba cái giường, hai cái tủ, một cái bàn và một cái ti vi.
5. Học sinh ngắt câu tuỳ tiện
Ví dụ: Bên cạnh nhà em. Có một dòng sông trong vắt. Dòng sông rất dài.
Hướng dẫn học sinh diễn đạt lại thành một câu hoàn chỉnh:
Bên cạnh nhà em là một dòng sông rất dài và nước sông trong vắt.
6. Học sinh so sánh không hợp lý
Ví dụ : Những chiếc thuyền nan bồng bềnh trôi trên sông như những chiếc lá tre khô.
Ví dụ : Nhìn từ xa mái nhà như một bông hồng. Ngôi nhà được làm bằng ngói to.
Lỗi toàn bài
1. Bài làm có tính kể lể
Ví dụ: Tả ngôi trường.
Trường em nằm trên một khu đất rộng. Ngôi trường có mái ngói đỏ, tường vôi trắng với những hàng cây bao quanh. Trường em gồm hai dãy A và B. Trường có văn phòng, phòng thư viện, đoàn đội, đồ dùng, y tế học đường, bảo vệ. Các lớp học có đủ quạt trần, bình nước, tủ để sách, tường lớp có khẩu hiệu, năm điều Bác dạy và các bức tranh do chúng em sưu tầm hoặc vẽ.
2. Bài làm lan man không đúng trọng tâm
Ví dụ: Tả ngôi nhà gia đình em đang sinh sống.
Ngôi nhà em ở là nhà ba gian. Nhà lợp ngói đỏ tươi. Tường nhà quét vôi trắng. Nhà em có nuôi rất nhiều vật nuôi như lợn, bò, chó, mèo, gà. Vườn nhà em trồng rất nhiều cây như nhãn, cam, táo, ổi, xoan nâu. Nhà em có bốn sào ao. Bố em làm an ninh xã rồi lại về thả cá nữa nên rất vất vả. Em thấy cảnh ngôi nhà em thật đẹp và đầm ấm.
3. Bài làm phát triển ý không hợp lý
Ví dụ: Tả một đêm trăng đẹp.
Hôm nay là một đêm trăng tròn. Em cũng đã được nhìn thấy ông trăng vào đêm trung thu năm ngoái. Cảnh hôm ấy cũng đẹp y như hôm nay, bầu trời cũng có nhiều ông sao sáng lấp lánh. Bây giờ thì chúng em vừa ăn bánh vừa ngắm trăng. Ông trăng tròn như cái bánh. Cảnh vật hôm nay rất náo nhiệt. Các ngôi sao ở trên cao kia cứ thi nhau nhấp nháy vui mắt. Chúng em thi nhau ca hát.
4. Bài làm có trình tự không hợp lý, lắp ghép không mạch lạc
Ví dụ: Tả cánh đồng quê em
Buổi sáng cánh đồng như một tấm thảm khổng lồ. Đến gần ta thấy rõ những ruộng lúa xanh tốt. Bây giờ lúa đang thì con gái, cây lúa vươn cao xanh rì lá sắc nhọn như là lưỡi mác. Trông xa, sóng lúa nhấp nhô uốn lượn. Cuối mùa hè ruộng lúa chín vàng rực báo hiệu một vụ mùa bội thu. Nhìn gần, những cây lúa oằn xuống vì những bông lúa trĩu hạt. Các cô bác xã viên hối hả ra đồng gặt hái. Chim sẻ thấy lúa đã chín chúng cũng rủ nhau bay về từng đàn.
Nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp
- Vốn kiến thức và kinh nghiệm viết văn tả cảnh của học sinh còn hạn chế.
Giải pháp: Giới thiệu với các em những bài văn hoặc đoạn văn tả cảnh và phân tích cái hay để học sinh có thể hiểu để học tập.
- Các em chưa có được những kiến thức về kiểu bài, học sinh không phân biệt được kể khác với tả.
Giải pháp: Phân biệt văn kể và văn tả bằng thí dụ cụ thể
- Học sinh chưa có được kĩ năng quan sát thực tế cảnh vật, khả năng quan sát của học sinh không được thường xuyên rèn luyện, quá trình quan sát còn hời hợt thiếu định hướng, thiếu tinh tế chính vì vậy học sinh chưa tìm ra được đặc điểm nổi bật của cảnh để tả. Khả năng liên tưởng của học sinh còn hạn hẹp.
Giải pháp: Đưa ra các yêu cầu hoặc cho các em đứng trước sự vật và gợi ý để các em tập quan sát. Tuỳ theo sự quan sát, gợi ý giúp các em liên tưởng và so sánh.
- Các em chưa có được kĩ năng lập dàn ý phát triển ý xây dựng đoạn văn. Học sinh chưa biết liên kết đoạn thành bài.
Giải pháp: Với những đề ra khác nhau dạy các em cách lập dàn ý. Quan trọng của việc rèn luyện này là: đủ ý và sắp xếp ý theo những nguyên tắc hợp lý.
- Vốn từ ngữ của học sinh còn nghèo nàn, không hiểu nghĩa từ, dùng sai từ đồng nghĩa.
Giải pháp: Phân tích rõ nghĩa của từ mỗi khi học sinh gặp từ mới hoặc sử dụng từ mới. Cho học sinh tập đặt câu với từ mới hoặc tập điền từ hợp lý vào một câu cho trước.
- Học sinh chưa biết bộc lộ cảm xúc trong quá trình miêu tả, chưa viết được câu văn có hình ảnh, chưa biết sử dụng biện pháp tu từ đã học vào việc viết văn.
Giải pháp: Ôn tập các biện pháp tu từ và cho học sinh tập đặt các câu có sử dụng biện pháp tu từ. Với mỗi một bài văn tả cảnh nên đặt những câu hỏi gợi ý về cảm xúc: Em cảm thấy điều gì? Em cảm thấy như thế nào? Em nghĩ gì về khung cảnh này? Em nhớ đến điều gì?...
- Nội dung phần lí thuyết tập làm văn giáo viên dạy chưa sâu, chưa chốt được kiến thức cho học sinh.
Giải pháp: Dạy lí thuyết cần đưa nhiều thí dụ để các em nắm được các yêu cầu của văn miêu tả và thường xuyên nhắc lại lý thuyết mỗi khi chữa bài kiểm tra.
- Giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới phương pháp tìm ra cách thức giúp học sinh khắc phục yếu kém.
Giải pháp: Để giúp các em có khả năng quan sát yếu, giáo viên có thể đưa ra những bức tranh phong cảnh (tả bằng mầu sắc hội hoạ) để các em tập tả lại bằng văn. Có thể cho các em làm quen với việc lập dàn ý bằng sơ đồ tư duy.