TÔN VINH, TRI ÂN NGƯỜI THẦY
Thứ hai - 04/12/2017 21:27
* Tôn vinh, tri ân người thầy
Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.
Lịch sử dân tộc ta đã lưu danh những bậc thầy “đức cao vọng trọng” - tấm gương sáng ngời về cốt cách thanh cao, không bị cám dỗ bởi tiền tài và danh vọng. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng ấy tuy không được ghi danh trong bảng vàng bia đá nhưng đã làm rạng danh nền giáo dục nước nhà, khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam và được lưu truyền mãi mãi.
Đó là bà Ngô Chi Lan, nữ nhà giáo đầu tiên vào thế kỷ XV được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học; là thầy Đỗ Năng Tế là thầy giáo của Hai Bà Trưng - những phụ nữ đầu tiên của dân tộc dựng cờ khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc; là các thầy Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… những tấm gương tiêu biểu về nhân cách ngời sáng của người thầy mẫu mực, tài giỏi, ngay thẳng, cương trực, không màng danh lợi.
Lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cũng đã từng dạy học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết. Qua các bài giảng, Người đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Các thế hệ học trò của thầy không những cùng thầy sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tiếp tục con đường người thầy đã chọn, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Trường Chinh… trước khi trở thành nhà lãnh đạo tài ba của đất nước đã từng làm nghề “ươm mầm xanh” ở một số trường học. Không chỉ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân viết nên những chiến công chói lọi ở thế kỷ XX mà còn từng bước đưa nền giáo dục nước nhà sánh vai cùng bạn bè năm châu.
Nhà giáo Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Ngọc Ký… và biết bao tấm gương người thầy đã trở thành thần tượng, làm rung động triệu triệu trái tim, khối óc các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước. Tên tuổi nhiều nhà giáo đã được dùng đặt tên cho các trường học, đường phố, công trình, giải thưởng của các cuộc thi và trở thành biểu tượng sáng ngời về trí tuệ, nhân cách người thầy.
Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Ở lại hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
Đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói.
Khi cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu” vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hoài Như
Nguồn tin: Sưu tầm