Phong tục ngày Tết cổ truyền Việt Nam
Chủ nhật - 25/02/2018 21:56
Phong tục người Việt Nam hằng năm mỗi khi Tết đến mọi người muốn trở về sum họp dưới mái ấm gia đình. Đầu năm ai cũng muốn được khấn vái trước bàn thờ Ông Bà, thăm lại ngôi mộ hay nhà thờ tổ tiên. Nhiều người cũng muốn thăm lại nơi họ đã từng sinh sống với gia đình trong thời niên thiếu. Đối với nhiều người xuất thân từ nông thôn Việt Nam, kỷ niệm thời niên thiếu có thể gắn liền với giòng sông, bờ ao, vườn bưởi, vườn rau sau nhà, v.v. Có lẽ vì vậy, câu nói “ về quê ăn Tết” đã trở thành một thành ngữ chỉ cuộc hành hương về nơi cội nguồn. Tuy là Tết cổ truyền của dân tộc nhưng tuỳ theo mỗi vùng, mỗi miền của Việt Nam hoặc theo những quan niệm về tôn giáo khác nhau nên có thể có nhiều hình thức, nhiều phong tục tập quán từng địa phương khác nhau. Nhưng đều có chung một điểm là có thể phân làm ba khoảng thời gian, mỗi khoảng thời gian ứng với những sự chuẩn bị, ứng với những lễ nghi hay ứng với những hình thức thể hiện khác nhau, đó là: Tất niên, Giao thừa và Tân niên.
TẤT NIÊN Cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, đường sá phong quang, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế, ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng. Đối với Tết cổ truyền, dịp tất niên là lúc mọi nhà chuẩn bị cho những ngày lễ hội, mua thêm đồ ăn, thức uống. Lý do là đa số hàng quán, chợ búa sẽ nghỉ trong và sau ngày Tết, có khi một vài ngày cho đến một tuần. Bà con đổ xô mua sắm vào dịp nầy cũng một phần là vì các nhà thường chuẩn bị cho dịp Tết từ năm cũ. Những nhà làm nghề nông cũng để dành hoa màu từ trong năm cũ cho dịp Tết. Bước vào bất cứ nhà nào trong dịp cuối năm cũng có thể nhận thấy ngay không khí chuẩn bị Tết rất nhộn nhịp. Từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về… Đối với các gia đình lớn, họ hàng đông, có quen biết rộng, đông con cháu, dâu rể, thì công việc chuẩn bị càng có nhiều thời gian và tất bận hơn.
Cúng Bái: Sắp dọn bàn thờ: Trong gia đình người Việt thường có một bàn thờ. Tùy theo từng nhà, cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là nơi tưởng nhớ, là thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng; hương là tinh tú. Hai bát hương để đối xứng, phiá sau hai cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy, với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Cũng có nhà cắm “cành vàng lá ngọc”, một thứ hàng mã với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn bán lãi gấp 5, gấp 10 lần năm trước. Ở giữa có trục “vũ trụ” là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu, vươn lên trong bát hương. Nhiều gia đình đặt xen giữa đèn và hưong là hai cái đĩa để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả. Phiá trước bát hương để một bát nước trong, coi như nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới… Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có chừng năm thứ trái cây khác nhau thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Cứ vào khoảng 28 tháng Chạp âm lịch thì nhà nhà đều cho bày biện một mâm ngũ quả kèm với nhiều sản vật khác trên bàn thờ. Mâm ngũ quả thường bày trên một cái mâm bằng gỗ tiện, sơn son, có chân, gọi là mâm bồng. Nếu không có mâm bồng, có thể bày trên một cái đĩa to, nhưng phải đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng cao, uy nghiêm, thành kính. Mâm ngũ quả có 5 loại. Tại sao lại 5? Theo các vị cao niên, am tường về Nho giáo thì xuất xứ của mâm ngũ quả có liên quan đến quan niệm triết lý Khổng giáo của phương Ðông, thế giới được tạo nên từ năm bản nguyên - gọi là “ngũ hành”: Kim - Mộc - Thuỷ - Hỏa - Thổ, nghĩa là 5 yếu tố cấu thành vũ trụ. Còn theo quan niệm của dân gian thì “quả” tức trái cây được xem như biểu tượng cho thành quả lao động một năm. Ông cha ta chọn 5 loại trái cây để cúng đêm giao thừa là ngụ ý rằng: Những sản vật này được kết tinh từ công sức, mồ hôi, nước mắt của con người lao động, kính dâng lên đất trời, thần thánh trong giờ phút linh thiêng của vũ trụ vạn vật sinh tồn. Tư tưởng, hình ảnh ấy đã ăn sâu và tâm thức của người Việt Nam bao đời nay. Một mâm Ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc Việt Nam gồm: cam, quất, bưởi, chuối và dứa. Mâm ngũ quả người miền Nam gồm: dừa, đu đủ, mãng cầu, sung, xoài với ngụ ý cầu sung vừa đủ xài. Người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu (kể cả khi đọc trại) như chuối – “chúi nhủi”, cam – “cam chịu”, lê – “lê lết”, sầu riêng, bom (táo), lựu – “lựu đạn”... và không chọn trái có vị đắng, cay.
Cúng Ông Táo: Theo tích xưa thì “ông Táo” là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và lên trình báo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm Lịch hàng năm. Mỗi nhà đều làm cơm, cúng tiễn Táo quân về trời. Ngoài mâm cơm với các món ăn tươm tất, còn có mũ và áo mã bằng giấy để Táo quân mặc và một hoặc ba con cá chép thả trong chậu nước để Táo quân cưỡi về thiên đình.
Đi thăm mộ tổ tiên: Từ ngày 23 cho đến chiều 30 tháng Chạp, con cháu trong gia tộc tề tựu đông đủ và cùng đi thăm và quét dọn mồ mã tổ tiên. Mỗi gia đình đều đem theo hương đèn, hoa quả để cúng, mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Khi chưa có nghĩa trang ở nông thôn Việt Nam, ít nhà có ruộng đất lớn để làm mộ phần tổ tiên, nên những điền chủ có nhiều ruộng đất trong làng cho mượn đất chôn nhờ. Vì thế, cuối năm, mỗi gia đình đi thăm mộ đều mang theo quà Tết để biếu điền chủ đã cho mình mượn đất hay người coi sóc nghĩa trang (nếu mộ phần đặt trong nghĩa trang).
Cúng Tất Niên: Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất công việc trong năm, tức cúng các Tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng nầy thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.
Trang Trí: Dựng nêu: Nêu là một cây tre hay cây tầm vông dài khoảng 5-6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ tùy theo từng địa phương như giấy vàng bạc, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu hồ lô rượu, hình cá chép bằng giấy để Táo quân cởi về trời, dãi cờ phướn màu đỏ, đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung, mỗi khi gió thổi, những khánh đất va chạm nhau tạo thành những tiếng kêu leng keng nghe rất vui tai…Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu… Vào buổi tối, người ta treo một lồng đèn ở cây nêu để tổ tiên biết đường mà về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch, cũng như ngày mùng một Tết, người ta còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng tổ tiên về ăn Tết, mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Ở miền Bắc, nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân về trời, cũng chính vì sự vắng mặt của Táo công kể từ ngày 23 cho tới đêm Giao nên ma quỷ thường nhân cơ hội nầy lẻn về quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà. Trưng bày các loại tranh vẽ tết cổ truyền: Phía trên bàn thờ thường treo một tranh dân gian vẽ ngũ quả, chiếc cuốn thư…có khi là một chữ Nho ( chữ Tân, Phúc, Đức…).
Câu đối Tết: Để trang hoàng nhà cửa và để thưởng Xuân, trước đây từ các nho học cho tới những người bình dân "tồn cổ" vẫn còn trọng tục treo "câu đối đỏ" nhân ngày Tết. Những câu đối này được viết bằng chữ Nho (màu đen hay vàng) trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào cho nên còn được gọi là câu đối đỏ. Bản thân chữ "câu đối đỏ" cũng xuất hiện trong câu đối Tết sau: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nên lưu ý là từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi. Câu đối là một trong những thể loại của Văn học Trung Quốc và Việt Nam.
Hoa đào đỏ, Mai vàng, cây Quất: Miền Bắc Việt Nam thường chọn cành đào để cắm trên bàn thờ hoặc cả cây đào trang trí trong nhà. Theo quan niệm người Trung Hoa, cành hoa đào có phép thuật trừ tà ma, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh. Vì vậy, màu đào đỏ thắm như một lời chúc phúc đầu xuân. Miền trung và miền Nam lại hay dùng cành mai hoặc cây hoa mai vàng, theo dân gian từ nghìn xưa màu vàng tượng trưng vương quyền. Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển, thăng tiến. Cây quất thường được trang trí tại phòng khách hay trước cửa nhà. Cây quất với quả chín vàng ươm, tròn trịa, xum xuê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả. Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ...; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet, hoa đồng tiền... Ngoài ra, hoa hồng, cẩm chướng, loa kèn, huệ tây, lá măng, thạch thảo... cắm kèm sẽ tạo sự phong phú và mang ý nghĩa sum họp cho bình hoa ngày Tết. Màu sắc tươi vui chủ đạo của bình hoa cũng ngụ ý cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, gia đình an khang và sung túc.
Bánh chưng, bánh tét: Với quan niệm món ăn trong ngày Tết là món ăn dâng cúng ông bà tổ tiên, thần linh và sau đó là tiếp khách nên các món ăn được làm rất công phu như gạo để làm bánh phải thật trắng, thơm và bánh luột ra phải thật tinh khiết… Nét truyền thống và linh thiêng trong cách thức làm bánh chưng, bánh tét dâng cúng trong ngày Tết được phản ảnh khá đậm nét ở việc chế biến và công đoạn làm bánh. Đối với nhiều người Việt, dịp tất niên là dịp trả nợ cũ, không ai muốn mắc nợ dây dưa sang năm mới. Xoá bỏ xích mích, tỵ hiềm của năm cũ, để hướng tới năm mới vui vẻ hoà thuận hơn. Bánh chưng độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc còn ở những vật liệu và cách gói, cách nấu. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Miền Bắc có bánh chưng, miền Trung và miền Nam có bánh tét. Về nguyên liệu và cách nấu giống nhau, nhưng về hình dáng thì bánh chưng có hình vuôn, bánh tét có hình trụ. Bánh tét được phổ biến rộng và được bán quanh năm như bánh tét có nhân mặn, nhân ngọt, nhân chuối, hay bánh tét chay có nhân đậu…Món ăn chánh yếu trong ba ngày Tết của người Nam là nồi thịt kho, dưa giá, bánh tét, bánh phồng, mứt dừa, mứt bí… Trái cây thì có dưa hấu, quít, bưởi. Những thức ăn và bánh trái chuẩn bị cho ba ngày Tết là mồng một, mồng hai và mồng ba.
Nguồn tin: Nguyễn Thị Hồng Thắm
Đăng ký thành viên