Chia sẻ phương pháp dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục

Thứ năm - 05/01/2017 19:43

Từ năm 1995, việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình của Trung tâm Công nghệ giáo dục đã triển khai hiệu quả ở 43 tỉnh thành trên toàn quốc. Đến năm 2000, do Luật giáo dục quy định một Chương trình, một bộ sách giáo khoa nên việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục không được thực hiện. Đến tháng 8 năm 2008, Bộ GD&ĐT đã đưa việc dạy Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục vào dạy học và tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT chủ trương dạy học Tiếng Việt lớp 1–Công nghệ giáo dục để nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt cho học sinh tiểu học; năm học 2014-2015 triển khai ở 42 tỉnh với với trên 390.000 học sinh.

 

 

+

Giờ học môn Tiếng Việt công nghệ của học sinh trường TH số 1 thị trấn Chợ Chùa 

Bản chất việc dạy học Tiếng Việt Công nghệ giáo dục là dạy khái niệm khoa học thông qua việc tự chiếm lĩnh tri thức của học sinh, phát triển năng lực tối ưu của từng cá nhân: Khả năng phân tích, tổng hợp, mô hình hóa. Học sinh học môn Tiếng Việt lớp 1–CNGD là học cách làm việc trí óc, học cách học, học cách tự nhận xét, đánh giá quá trình và kết quả làm việc của mình.

Theo GS.TSKH Hồ Ngọc Đại chia sẽ: Mục tiêu của dạy môn Tiếng Việt lớp 1 –CNGD là giúp các em học sinh đọc thông, viết thạo, học đâu chắc đấy, nắm chắc luật chính tả, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt. Đồng thời giúp các em phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc, phát huy năng lực tối ưu của mỗi cá nhân học sinh.

Những điều cần biết đối với phụ huynh học sinh:
- Nên thường xuyên khuyến khích con tự học.
- Nên kiểm soát việc học của con bằng cách đặt câu hỏi.
- Nên khen con thường xuyên.
- Nên kiên nhẫn, biết đợi và lắng nghe những điều con nói.
- Không nên dạy con học trước.
- Không nên chê con khi con chưa làm được.
- Không nên nóng giận và đặt suy nghĩ của mình cho trẻ.
- Không nên tạo áp lực cho trẻ về thành tích…
Công nghệ HỌC thiết kế thành hệ thống việc làm. Mỗi việc làm, làm ra một sản phẩm. Môn Tiếng Việt lớp 1 là hệ thống khái niệm ngữ âm học. Đã là khái niệm khoa học thì có cấu trúc gồm các nhân tố cấu thành và mối liên hệ giữa các nhân tố ấy.
Thay năm bước lên lớp bằng Quy trình bốn việc là một giải pháp kỹ thuật cho tiết học, được thể hiện như sau:
Việc 1 – Phân tích ngữ âm của Tiếng là CÁCH chiếm lĩnh một đối tượng vật chất với tư cách VẬT THẬT. Phát âm chuẩn là CÁCH thuần hóa tiếng nói tự nhiên thường mang tính phương ngữ. Việc 1 nắm lấy bản chất âm của Tiếng, làm một cách vật chất, bằng cơ bắp, làm từ thô đến tinh.
- Tách ra tiếng giống nhau.
- Tách ra thanh của tiếng
- Tách ra hai phần của tiếng thanh ngang.
Cuối cùng, tách ra từng âm vị.
Việc 2 – Viết, làm theo quy ước. Hãy làm một cách tự nhiên, đừng quan trọng hóa, cứ nói tự nhiên, không có gì đặc biệt. Làm theo quy ước một cách tự nhiên và đánh giá sản phẩm một cách tự nhiên.
Việc 3 – Đọc. Vì sao phải “Đọc trơn” ngay từ đầu?
- Chữ thay cho âm thanh (âm vị, vần, tiếng) theo quy ước.
- Tiếng trong cuộc sống là một thể thống nhất, tư duy đã phân giải nó, thì nay phải trả lại Tiếng tổng thể ban đầu: Đọc trơn.
Đọc trơn/đọc phân tích nên sử dụng liên hoàn. Đọc phân tích để kiểm tra đọc trơn. Đọc trơn để thẩm định đọc phân tích.
Công nghệ giáo dục dùng phương pháp phân đôi (tách đôi) trong mỗi lần phân tích:
Ví dụ: /toan/  - /tờ/ - /oan/
/oan/  - /o/ - /an/
/an/  - /a/ - /n/
/toàn/  - /toan/ - /huyền/
Cách làm này buộc phải đọc trơn tiếng thanh ngang.
Đánh vần theo cơ chế phân đôi có năng lực kiểm tra tính bền vững của sản phẩm đã có.
Việc 4 – Viết chính tả. Viết chính tả là việc trí óc, buộc phải tư duy (suy nghĩ) để tìm ra giải pháp, không như tập chép chỉ bắt chước. Viết chính tả là một thách thức đặc ra cho tư duy của học sinh, cho nghiệp vụ của thầy giáo. Cần huấn luyện từng bước nhỏ.
Trước hết, viết ở bảng con (bảng lớp).
Sau đó, viết vào vở.
Tất cả các kỹ năng được huấn luyện ở ba việc trước đều dùng cho việc 4, là cơ hội vừa đánh giá các sản phẩm của ba việc đã làm, vừa cũng cố tri thức cho vững chắc hơn.
Thay năm bước lên lớp bằng bốn việc cho tiết học, có thể nói gọn trong mấy chữ sau:
“Nói một lần, làm nhiều lần.
Nói gọn lời, làm chi li”

Thầy giao việc chỉ nói một lần, làm mẫu một lần, nhưng học sinh nhắc lại nhiều lần, làm đi làm lại nhiều lần.
Lần đầu phải làm kỹ từng chi tiết, theo trật tự, không nhảy cóc. Các lần sau, làm một cách tự nhiên, các chi tiết ấy liền lại thành từng khối lớn.
Đừng vội, đi chậm, miệt mài đi sẽ đến đích nhanh hơn.
Sức hấp dẫn của việc học tùy thuộc vào Công nghệ Học. Công nghệ cao thì có sản phẩm chất lượng cao. Mỗi ngày tự mình làm ra một sản phẩm mới cho mình thì:
“ Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, “Đi học là hạnh phúc”./.                                                                           

Tác giả bài viết: Lê Thị Thanh Dược

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập143
  • Hôm nay2,381
  • Tháng hiện tại19,279
  • Tổng lượt truy cập2,038,423
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây