GIÚP HỌC SINH LỚP 5 PHÂN BIỆT TỪ ĐỒNG ÂM VÀ TỪ NHIỀU NGHĨA.

Thứ năm - 05/01/2017 19:37
        Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa là hai mảng kiến thức quan trọng trong phân môn Luyện từ và câu – chương trình Tiếng Việt lớp 5. Trong thực tế thì đa số học sinh(HS), kể cả HS giỏi và không ít GV nhầm lẫn giữa từ đồng âm và từ nhiều nghĩa. Vì sao lại hay có sự nhầm lẫn như vậy?
       * Lý do thứ nhất: Từ đồng âm và từ nhiều nghĩa đều có đặc điểm và hình thức giống nhau, đọc giống nhau, viết cũng giống nhau chỉ khác nhau về ý nghĩa.
       Ví dụ 1: Từ đồng âm “bàn”(1) trong “cái bàn” và “bàn” trong “bàn công việc” xét về hình thức ngữ âm thì hoàn toàn giống nhau còn nghĩa thì hoàn toàn khác nhau: “bàn” (1) là danh từ chỉ một đồ vật có mặt phẳng, chân đứng để đồ đạc hoặc làm việc, “bàn” (2) là động từ chỉ sự trao đổi ý kiến.
Ví dụ 2: Từ nhiều nghĩa: “bàn”(1) trong “cái bàn” và “bàn”(2) trong “bàn phím”. Hai từ “bàn” này, về hình thức ngữ âm hoàn toàn giống nhau còn nghĩa thì “bàn” (1) là danh từ chỉ một đồ vật có mặt phẳng, có chân dùng để đi kèm với ghế làm đồ nội thất; “bàn”(2)là bộ phận tập hợp các phím trong một số loại đàn hoặc máy tính.
      Tác giả còn cho biết: trong một lần đi dự giờ một tiết dạy bài “ Từ đồng âm”, Khi GV cho HS tìm ví dụ từ đồng âm, có em lấy ví dụ như VD 2 ở trên, GV cũng công nhận là đúng. Như vậy không chỉ có HS sai mà GV cũng còn nhầm lẫn.
      * Lý do thứ hai: Trong chương trình Tiếng Việt 5 chưa có dạng bài tập phối hợp cả hai kiến thức về từ đồng âm và từ nhiều nghĩa để học sinh rèn kĩ năng phân biệt.
 * Lý do thứ ba: HS còn chưa phân biệt nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ nhiều nghĩa.
      Từ thực trạng trên, làm thế nào để học sinh phân biệt được từ đồng âm và từ nhiều nghĩa? Theo tác giả, mấu chốt của vấn đề là cả GV và HS cần phải hiểu bản chất kiến thức: Từ đồng âm là nhiều từ nhưng nghĩa các từ trong văn cảnh đều là nghĩa gốc (còn gọi là nghĩa chính hay nghĩa đen). Còn từ nhiều nghĩa thì chỉ là một từ có một nghĩa gốc còn các nghĩa khác là nghĩa chuyển từ nghĩa gốc. Trở lại VD ở trên, trong VD1 “bàn” trong “cái bàn” và “bàn” trong “bàn công việc”đều mang nghĩa gốc, VD2 “bàn” trong “cái bàn” mang nghĩa gốc còn “bàn” trong “bàn phím” mang nghĩa chuyển. Vậy làm thế nào để HS phân biệt được nghĩa gốc và nghĩa chuyển của từ? Các từ mang nghĩa gốc thì nêu được nghĩa khác nhau nhưng phải bằng cách diễn giải. Còn phần nhiều các từ mang nghĩa chuyển thì nêu nghĩa bằng cách thay thế bằng một từ khác(mang nghĩa phụ).
 VD:           Mùa xuân(1) là tết trồng cây
         Làm cho đất nước càng ngày càng xuân(2).
Ta thấy rằng: “xuân”(2) được dùng theo nghĩa chuyển vì“xuân” có thể thay thế bằng “tươi đẹp”. Sau khi HS đã nắm bắt được bản chất của kiến thức, để cho học sinh có kỹ năng phân biệt, GV cần biên soạn thành những dạng bài tập hỗn hợp cả từ đồng âm và từ nhiều nghĩa để HS luyện tập. Sau đây là một số bài tập tác giả nêu ra để cho bạn đọc cùng tham khảo:
 Bài 1: Điền Đ vào ô trống sau câu có từ đồng âm, N vào ô trống sau câu có từ nhiều nghĩa:
 a. Nước ta vào mùa mưa nước thường dâng cao.
         b. Bạn Trường Sơn đi nước cờ quyết định mang vinh quang về cho nước nhà.
 Bài 2. Cho từ “chín
 a. Đặt 2 câu để phân biệt nghĩa của cặp từ đồng âm.
 b. Đặt 1 câu có từ “chín” được dùng theo nghĩa gốc và 1 câu có từ      “chín” được dùng theo nghĩa chuyển.
 Đáp án:  a. Cơm đã chín.
                     Em được điểm chín.
                 b. Cơm đã chín.
                     Được điểm kém, em ngượng chín cả người.
Như vậy, nếu mỗi GV đều nắm được bản chất vấn đề giúp HS cũng nắm được bản chất ấy, rèn kỹ năng qua các bài tập thì chắc chắn hiện tượng nhầm lẫn nêu trên sẽ được giảm đi rất nhiều.
 

Tác giả bài viết: Đinh Thị Sương

Nguồn tin: Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 33 trong 8 đánh giá

Xếp hạng: 4.1 - 8 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ

  • Đang truy cập1
  • Hôm nay598
  • Tháng hiện tại6,891
  • Tổng lượt truy cập1,779,373
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây