LỜI NHẬN XÉT KHÓ NGHE
Thứ hai - 08/01/2018 14:20
Vừa bước vào văn phòng, thầy hiệu trưởng đã thông báo:
-Ngày mai phòng sẽ về thanh tra toàn diện trường chúng ta, các đồng chí chuẩn bị đón đoàn nhé.
Ai nấy đều lo lắng chuẩn bị: nào là hồ sơ, sổ sách, giáo án, nào là chuẩn bị đồ dùng dạy học cho tiết dạy ngày mai…Tôi mở quyển lịch báo giảng ra xem. Mắt tôi lướt nhanh trên tờ lịch báo giảng. A, may quá! Ngày mai có tiết tập đọc “Mẹ vắng nhà ngày bão”. Tôi mừng rơn. Đúng là bài mình thích! Vốn là người yêu thích thơ, trong tôi tuôn trào cảm xúc. Bài này mình dạy chắc hay lắm đây! Theo nhận xét của bạn bè, đồng nhiệp thì tôi được sở hữu một giọng đọc truyền cảm.
Cử chỉ, điệu bộ, tác phong có lợi thế để dạy môn tập đọc. Hồi thi vào trường trung học sư phạm, tôi có điểm phần năng khiếu vượt trội so với những thí sinh khác. Với sự tự tin và đầy nhiệt huyết của một giáo viên trẻ mới ra trường, tôi chuẩn bị tiết day cho ngày mai thật chu đáo. Đây cũng là lần đầu tiên thanh tra của phòng giáo dục dự giờ tôi. Tôi chuẩn bị kĩ giáo án, trau chuốt từng lời dẫn vào bài cho đến câu chuyển ý. Và tôi rất hài lòng với thiết kế giáo án của mình. Tôi tưởng tượng ra tiết dạy của tôi thành công lắm.
Rồi giây phút chờ đợi cũng đã đến. Tôi bước vào lớp với lòng tự tin và đầy hứng khởi. Người dự giờ tôi là một thầy giáo già có mái tóc hoa râm, dáng đi bệ vệ. Thầy đeo cặp kính cận gọng vàng trông rất trí thức. Thầy mỉm cười nhìn tôi bằng cặp mắt thiện cảm. Điều đó đã khích lệ tôi, tôi cảm thấy tự tin hơn.
Sau khi chinh phục được học sinh và người dự giờ bằng những câu dẫn dắt vào bài bóng bẩy của mình, tôi bắt đầu giảng say sưa đầy cảm hứng. Tôi cố gắng kết hợp giọng nói, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt, tất cả những gì tôi được học ở trường sư phạm, tôi đều vận dụng vào bài giảng của mình. Nhìn 30 cặp mắt chăm chú hướng về phía tôi và những cánh tay giơ lên xin phát biểu, tôi càng tự tin hơn. Tôi muốn truyền tải tất cả nội dung của bài thơ để các em cảm thụ thật tốt về tình yêu thương của những người trong gia đình, sự thiếu vắng khi người mẹ đi xa.
40 phút trôi qua thật chóng vánh, cũng là lúc tôi kết thúc bài giảng của mình bằng lời nhận xét và tuyên dương học sinh.
Thầy thanh tra gọi tôi vào văn phòng để nhận xét góp ý.“Chắc là thầy sẽ khen và xếp tiết dạy của mình loại tốt, mình dạy hay thế cơ mà!”. Tôi chắc mẫm trong bụng.
Thầy thanh tra nhìn tôi, đôi mắt thoáng chút buồn và hỏi:
-Cô hãy cho tôi biết tiết này là tiết gì?
Tôi ngơ ngác, nói như một cái máy:
- Dạ, thưa thầy tiết tập đọc ạ.
-Thế cô có biết“Tập đọc”có nghĩa là gì không?
Tôi thật sự lúng túng:
-Dạ tập đọc có nghĩa là …có nghĩa là…là phải tập đi tập lại nhiều lần, nghĩa là phải luyện đọc thật nhiều ạ.
- Đúng thế ! Tập đọc là phải đọc đi, đọc lại thật nhiều lần.Vậy cô có nhớ cô đã gọi bao nhiêu em đọc không?
- Thưa thầy, khoảng 6-7 em đọc cá nhân ạ - Tôi đỏ bừng mặt trả lời.
- Vậy là chưa đạt yêu cầu. Học sinh đọc quá ít. Lớp có 30 em thì phải ít nhất 15 em được đọc. Thời gian luyện đọc cá nhân phải bằng 1/2 tổng thời gian của tiết học.
Rồi thầy nhận thấy sự thất vọng hiện lên khuôn mặt tôi, thầy ôn tồn nói:
- Tuy cô có giọng đọc hay, giọng nói truyền cảm, phong thái tốt, chuyển tải được nội dung của bài cho học sinh nhưng đây là tiết tập đọc của học sinh tiểu học chứ không phải là tiết giảng văn của học sinh cấp 2 nên yêu cầu về luyện đọc phải đặt lên hàng đầu. Cho nên tiết này tôi chỉ xếp vào loại Đạt yêu cầu.
Lời nhận xét như gáo nước lạnh dội vào người tôi. Tôi buồn bã đi về lớp với tâm trạng hụt hẫng. Sự tự tin và tính hiếu thắng trong tôi bị sụp đổ. Thế mà cách đây ít phút, tôi còn háo hức chờ đợi được nghe những lời khen cơ đấy. Đúng là những lời nhận xét khó nghe!
Lời nhận xét đó đã đi theo tôi suốt cả cuộc đời giảng dạy, làm kim chỉ nam cho tôi đi đúng hướng. Nhờ nó mà chất lượng phân môn tập đọc lớp tôi bao giờ cũng tốt. Cũng từ đó, tôi không bao giờ phạm sai lầm tham giảng nữa. Sau này, mỗi lần đồng nghiệp khen tôi về dạy môn tập đọc, tôi chỉ mỉm cười và chỉ một mình tôi biết: Bí quyết thành công của tôi bắt đầu từ Lời nhận xét khó nghe.
Tác giả bài viết: Đinh Thị Sương
Nguồn tin: Sưu tầm