Quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên là rất quan trọng trong việc giáo dục thành công đứa trẻ. Có nhiều câu chuyện về mỗi quan hệ này "rạn nứt" làm cho chúng ta đau lòng. Hậu quả sẽ rơi vào đâu? Một phụ huynh rất quan tâm tới nuôi dạy con chia sẻ suy nghĩ của mình.
Bây giờ làm nghề này đúng là áp lực. Gần như " tứ bề thọ địch ". Nếu giáo viên (GV) nào gặp may mắn dạy được học trò có cha mẹ hiểu giáo dục là một may mắn.
GV như một vận động viên " còi " chạy Marathon. Áp lực đuổi theo yêu cầu chương trình, thi cử và kết quả học tập của học sinh cũng mệt lắm. Áp lực này chia sẻ cùng ai đây ? Chưa kể về nhà còn con cái, cơm nước. Gặp được ông chồng đáng yêu cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ có khi như bắt phải vàng.
Lớp học đông thì phòng ốc phải to. Đôi khi tiếng ồn cũng buộc GV phải nói lớn hơn. Cấp 3 còn thấy GV được trang bị Micro. Tiểu học thì mình không thấy. Cái nghề bán cháo phổi này thật là mệt. Với sỉ số 50-60 học sinh, GV dạy đúng là vất vả. Tránh sao được với đám nhỏ nghịch phá, ồn ào, mất trật tự như ranh thì cái thước không đầm rầm rầm trên bảng, trên bàn. GV phải dùng tới rất nhiều biện pháp để xử lý đám trẻ. Mình thì không ủng hộ nhưng biết làm sao ở môi trường học như thế. Thực tế như vậy sẽ có giải pháp gì hay hơn khi lớp học quá đông.
Vậy ai dạy trẻ con không ngoan ? Cha mẹ là chắc chắn. Những đứa trẻ có vấn đề về kỉ luật đều xuất phát từ suy nghĩ của cha mẹ. Cha mẹ thích con TỰ DO bây giờ là trào lưu. Cha mẹ thích con thành thiên tài bằng cách cho con được tự do. Nhưng tư do thế nào thì không hiểu lắm. Sự tự do nào cũng vần nằm trong một quy định rõ ràng. Chính quan điểm sai lạc của cha mẹ sẽ khiến con kém đi mà không hay. Đứa trẻ sẽ kém đi khi lối sống không có một sự tuân thủ cuộc sống tí nào.
Ngân sách cạn. Hiệu quả kinh tế kém thì thu nhập kém. Mọi thứ muốn làm, muốn hay rất khó thực hiện. Lương thấp thì khó thu hút người giỏi đi dạy và càng khó thay đổi phương pháp dạy và học "đọc và chép" được nên ước mơ của cha mẹ còn rất xa vời. Vẫn lấy nề nếp làm gốc, thói quen học tập làm điểm tựa để giúp trẻ tự học và tự vượt qua mọi khó khăn học tập thôi. Bao giờ ngân sách hay thu nhập gia đình rộng rãi mới có thể kì vọng một môi trường giáo dục tốt được. Còn không con cứ phải trang bị những điều tối thiểu để "sống được với lũ" nhé.
Ai cũng vất vả mưu sinh và nuôi con ăn học. Vất vả lắm nhưng có con thì không chỉ có trách nhiệm nuôi mà còn có trách nhiệm dạy dỗ những nề nếp căn bản làm nền tảng cuộc sống cho con. Mình thì có tới 4 đứa con nên thấu hiểu mọi gia đình. Còn kêu khổ sẽ chẳng ai có thể kêu to hơn mình được. Bản thân mình đã từng khổ và còn lết được tới trường đã là một kì tích do sự cưu mang của người thân Cuộc sống hiện nay, mình chỉ nhận THẦU CHÍNH khi con lên 4 tuổi. Còn dưới 4 thì mình chỉ là THẦU PHỤ miễn phí cho vợ. Sai đâu làm đó. Cùng lắm chỉ góp ý kiến và không can thiệp bất cứ việc gì. Vì chưa thể thầu chính nên có những điều vẫn phải chấp nhận. Nếu thầu được ngay thì làm ngay tức khắc. Về việc rèn nề nếp con, Mình tuy dễ nhưng vô cùng nguyên tắc với con. Mình tập giờ nào việc đó. Làm sai con tự đón nhận hệ quả của mình. Con không tắm ư ? Ba cho con dơ và không được gần ba đừng nói chi là đọc sách hay nói chuyện. Con không ăn đúng giờ ư ? Ba ăn hết đồ ăn luôn. Con không tự tắm ư? Ở dơ và tự tránh xa ba ra. Con ăn chậm ư ? Ba đi chơi còn con ở nhà. Con không tập trung nghe giảng ư? Bài vở con không làm được. Ba chỉ giúp đỡ cái nằm ngoài khả năng của con. Còn cái do con không tuân thủ thì phải tự chịu trách nhiệm. Thậm chí giờ làm bài của cô mà không làm thì sang giờ đọc sách thì không được làm nữa. Còn hôm nào bài nhiều hơn là con cần thông báo và trình bày trước. Tất nhiên ba cũng đã phải góp ý GV cho bài vừa phải để ôn bài. Và còn vô số thứ trong cuộc sống mà trẻ phải học cách tuân thủ và chịu trách nhiệm.
Hãy tin mình đi ! Đứa trẻ biết tuân thủ sẽ có ý thức học tập tốt. Chưa cần làm được bài khó và làm được điều gì to tát thì việc học cũng sẽ tốt không ngờ. Còn không làm thế, đừng hy vọng con thành gì lớn lao. Cha mẹ cần hiểu việc đó phải xuất phát từ cuộc sống hàng ngày ở gia đình. Cha mẹ quan niệm sai và cho con tự do sai thì cả nhà sẽ vất vả. Mình quan sát các bé có vấn đề đều do cha mẹ cả. Chẳng cần đợi đến khi đi học mà làm ngay từ khi con mới CHÀO ĐỜI kia. Tập ăn, ngủ, tắm, chơi có giờ giấc. Hết giờ là dẹp ngay. Nhưng khi sắp chuyển hoạt động cần báo trước cho con để con biết là sắp dừng. Cha mẹ làm gì cũng phải có suy nghĩ dứt khoát. Còn lời nói vẫn thể hiện sự yêu thương và nhẹ nhàng với con. Cách nói và lời nói cũng phải chuẩn để trẻ không VỊN vào mình. Vì hiểu biết và suy nghĩ khác người lớn nên tâm lí của trẻ sẽ mè nheo đòi nọ đòi kia theo lí luận của chúng. Các ý của chúng cóp nhặt không logic nên hay thế. Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn để giải thích dễ hiểu cho con. Tuổi ham vui nên cần giúp chúng kiểm soát cái sướng bản năng. Nhiều khi con tan học, ba đón về nhưng con muốn chơi playground thì ba cho chơi. Nhưng đúng giờ như đã hẹn là về. Thỉnh thoảng con vui quá xin thêm nhưng ba vẫn bảo phải về nấu cơm. Con thích thì tự đi bộ về. Với tâm lí trẻ bám cha mẹ thì trẻ không dám ở lại đâu. Anh lớn muốn cũng cho đi bộ 3km đi bộ về. Tinh thần dám làm thì dám chịu thì con tự trải nghiệm và tự hiểu các việc khác cũng sẽ thế. Nề nếp không tự sinh ra mà do cha mẹ vận hành.
Chính vì thế, để GV quan tâm con mình thì cha mẹ cần giúp con ngoan trước. Ngoan không có nghĩa là bảo sao làm vậy như Robot. Con cứ tuân thủ tốt trước tiên thì được học môi trường có thêm sự tự do suy nghĩ, tự do đưa ý kiến mới có thể hấp thu cái hay được. Chúng ta tưởng ở nước ngoài tự do lắm sao ? Họ có các quy định nghiêm khắc lắm. Con không nghiêm túc sẽ chẳng đi đâu và làm gì được đâu. Thậm chí bài giảng hay cũng không hấp thu được gì và cha mẹ có tốn tiền tấn cũng không giúp con giỏi được. Thậm chí con không nghiêm túc thì con cũng không có bạn bè để chơi.
Giờ chăn 2 đứa ổn định rồi thì cũng sẽ thầu sớm 2 bạn kia chăn luôn một thể. Cứ nghĩ để càng trễ càng vất vả điều chỉnh là phải làm ngay những việc này. Chưa cần làm gì to tát. Việc này làm tốt thì con học tự khắc giỏi. Chẳng cần nghĩ con tư do sẽ thành thiên tài. Con cứ nghiêm túc trước sẽ tự khắc hiểu bài và tự làm bài thành thói quen học hành trước. Còn những kỹ thuật tư duy, làm bài không quá khó lắm. Môi trường dân chủ và được phát biểu ý kiến, đánh giá từng vấn đề sẽ làm con biết tư duy và xử lý ngay thôi. Rèn một đứa trẻ nghiêm túc khó hơn học kiến thức hay tư duy nhiều. Mà cái gì khó sửa là phải làm ngay, làm liền và làm sớm là vậy.
Tác giả bài viết: Mai Thị Hoa
Nguồn tin: Sưu tầm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn