THAM LUÂN HỘI NGHỊ CBCC - VC
Thứ ba - 26/09/2017 15:37
Kính thưa quý vị đại biểu! Kính thưa Đại hội!Tôi rất vinh dự được đại diện cho tổ chức Đoàn Đội trong trường học về dự Đại hội hôm nay xin được báo cáo với đại hội về công tác xây dựng kỷ cương, nề nếp và tổ chức các hoạt động phong trào thanh thiếu niên trong trường học.
Thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên và xây dựng Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở Trường TH đã có nhiều chuyển biến. Chi đội, Liên đội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ban ngành trong việc chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng; bảo vệ các em trước nguy cơ xâm hại ngày càng cao của tệ nạn xã hội. Lực lượng phụ trách Đội đã tổ chức tốt các hoạt động của thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu, kỷ niệm ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh…Vì thế, nội dung, hình thức hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong ngày càng phong phú, hấp dẫn, thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia. Nổi bật là các phong trào “về nguồn”, “vượt khó học tốt”, “vòng tay bè bạn”, “thiếu nhi vui khỏe”, “Vì màu xanh quê hương”, “hành trình chào thế kỷ mới”, xây dựng chương trình học đường.
Cùng với sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, Đoàn – Đội các cấp, sự phối hợp đội viên trong Liên đội từng bước đi lên và giữ vững danh hiệu Liên đội mạnh cấp tỉnh trong nhiều năm liền.Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thiếu niên chưa được tập hợp, chưa được hướng dẫn tham gia vào các hoạt động do Đội thiếu niên tiền phong, Đoàn thanh niên tổ chức. Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất đó là việc huy động sức mạnh tổng hợp của mọi thành viên, của các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường, phát huy sức mạnh và sự nhiệt tình, sáng tạo của từng giáo viên trong nhà trường, trong đó tổ chức Đoàn – Đội là vai trò nòng cốt. Xác định với vai trò trách nhiệm của tổ chức Đoàn – Đội tôi xin đưa ra một số giải pháp về công tác xây dựng kỷ cương, nề nếp và tổ chức các hoạt động phong trào thanh thiếu niên trong trường học như sau:
1 - Nhận thức về vai trò của tổ chức Đoàn – Đội trong việc xây dựng, duy trì nề nếp của nhà trường
- Nâng cao nhận thức và kiến thức cho cán bộ, đoàn viên thanh niên, các lực lượng xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu nhi và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh. Trước áp lực của kinh tế thị trường, thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, người giáo viên – phụ trách Đội càng phải khẳng định phẩm chất, đạo đức của mình, đây là yếu tố quyết định trong quá trình công tác, giáo dục thiếu nhi. Bởi, để tổ chức Đội lớn mạnh luôn là một tổ chức chính trị - xã hội đúng nghĩa, để các em đội viên xứng đáng là một “thế hệ cách mạng" của Đảng, người phụ trách phải tự hoàn thiện về nhiều mặt. Hơn hết là nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, luôn tin tưởng vào con đường của Đảng đã chọn. Từ đó, xác định mục tiêu, định hướng cho các em thiếu nhi phấn đấu trở thành con người xã hội chủ nghĩa.
- Đẩy mạnh cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu" với chỉ tiêu hàng tháng chi đoàn có một việc tốt dành cho thiếu niên; mỗi đoàn viên làm tấm gương tốt trong công tác phụ trách thiếu niên (tóm tắt là: "Chi đoàn có việc làm tốt, đoàn viên làm phụ trách tốt"). Cần lựa chọn tổ chức các hoạt động tập thể khoa học sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế để đưa học sinh vào môi trường giáo dục lành mạnh. cần đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động. Trong đó, tập trung nhiều hình thức thu hút thiếu niên vào tổ chức của mình; xây dựng nhiều chương trình hoạt động, sân chơi mới, phong phú, hấp dẫn, thỏa mãn sự hiếu động, sáng tạo của thiếu niên, nhi đồng.Các buổi sinh hoạt như: Chào cờ đầu tuần, hoạt động GD NGLL, sinh hoạt Đội theo chủ điểm... bằng nhiều hình thức đã có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng nề nếp của nhà trường, góp phần giáo dục đạo đức học sinh.
2 – Tổ chức các hoạt động trong nhà trường và trên địa bàn dân cư
Các hoạt đông Đoàn Đội có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng nề nếp của nhà trường. Đưa các em vào hoạt động phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng của mình sẽ có tác dụng giáo dục thiết thực. Từ thực tiễn các hoạt động tác dụng giáo dục đạo đức sẽ hiệu quả hơn là lên lớp lý thuyết . ở lứa tuổi các em nhận thức thông qua con đường rèn luyện bằng việc làm sẽ hiệu quả hơn so với việc răn dạy theo sách vở .
- Thực hiện “2 chương trình – 5 phong trào” trong Đội viên, thiếu nhi thi đua thực hiện “5 điều Bác Hồ dạy” lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm. Trong đó, chú ý giáo dục các em biết lễ phép, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người, có ý thức bảo vệ môi trường và chấp hành Luật giao thông đường bộ, phòng tránh các tai tệ nạn xã hội. Tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ phát triển phong trào thiếu nhi trên địa bàn dân cư, xây dựng Đội trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả. Ngoài các phong trào thi đua xuyên suốt năm học, Đoàn Đội còn có những hoạt động chủ điểm háng tháng và các đợt sinh hoạt văn hoá văn nghệ nhằm thu hút được tất cả học sinh tham gia như: Làm báo tường; sưu tầm báo ảnh; thi văn nghệ; thi TDTT; hội trại thi kiến thức văn hoá. Các hoạt động này thu hút nhiều học sinh tham gia, không khí thi đua giữa các lớp rất sôi nổi, cá nhân học sinh cũng thấy mình có trách nhiệm hơn đối với tập thể lớp của mình. Giáo dục đạo đức, lối sống cho thiếu niên trước nguy cơ xâm hại ngày càng cao của tệ nạn xã hội. Giúp các em thấy được ý nghĩa của cuộc sống lành mạnh, biết khát khao vươn lên trong học tập, công tác, đóng góp sức mình cho nhà trường, gia đình và cho xã hội. Cũng từ những hoạt động này, tạo ra không khí thi đua giữa các lớp, các khối sôi nổi; bản thân mỗi học sinh cũng có ý thức hơn khi họ góp sức vì thành tích chung của tập thể. Một hoạt động có tác dụng rất lớn trong việc duy trì nề nếp của nhà trường, đó là hoạt động của đội cờ đỏ. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí TPT Đội và sự giám sát chỉ đạo của các đồng chí ĐVTN trong chi đoàn, đội cờ đỏ được phân công theo dõi nề nếp của từng lớp: từ nề nếp sinh hoạt đầu buổi học đến nề nếp tập thể dục giữa buổi, vệ sinh lớp học, đến việc thực hiện nội quy của nhà trường. Đội cờ đỏ giao ban hàng tuần, có chấm điểm các hoạt động của từng lớp, xếp loại lớp và tổng kết vào cuối tuần. Có thể nói, hoạt động của đội cờ đỏ đã góp phần rất lớn vào việc duy trì nề nếp của nhà trường, tạo ra được những nội dung thi đua giữa các lớp, giúp nhà trường đánh giá xếp loại các lớp vào cuối học kỳ, cuối năm được dễ dàng hơn. Kết thúc năm học, Đội Thiếu niên thường được tổng kết bằng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ, biểu dương khen thưởng những tập thể và cá nhân xuất sắc trong học tập và rèn luyện, sau đó có phương hướng quản lý học sinh trong hè.
3. Công tác phối hợp
Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môm.- Phối hợp với anh chị phụ trách các chi đội triển khai chương trình RLDV sâu rộng trong toàn Liên đội, trao đổi trực tiếp với các đ/c giáo viên bộ môn. Trong quá trình giáo dục và rèn luyện học sinh cần đảm bảo tính thông tin 2 chiều để nắm bắt được tình hình cụ thể đối với những trường hợp vi phạm kỷ cương nề nếp của học sinh khi đó mới có biện pháp giáo dục rèn luyện thích hợp, có hiệu quả.* Ban đại diện cha mẹ học sinh.
- Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của một số học sinh cá biệt, động viên gia đình có trách nhiệm hơn đối với con cái họ. Kịp thời động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện giúp đỡ các em .
- Phối hợp với nhà trường trong việc thăm hỏi học sinh, cha mẹ học sinh trong những trường hợp đặc biệt ( ốm đau nặng, tai nạn rủi ro...)
- Dành một phần quỹ thích đáng giúp đỡ những học sinh quá khó khăn.* Phối hợp với các đoàn thể quần chúng trên địa bàn: Việc giáo dục học sinh sẽ đạt hiệu quả cao nếu tổ chức Đoàn - Đội biết phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, biết tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh để giáo dục học sinh. Trong đó tổ chức gắn với nhà trường nhất là Đoàn thanh niên và Hội phụ nữ. Các chi Đoàn thanh niên trên địa bàn có quan hệ chặt chẽ với Đoàn thanh niên nhà trường như phong trào “Xây dựng trường học thân thiện” tổ chức các buổi tình nguyện làm vệ sinh môi trường, giao lưu văn hoá văn nghệ, các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng - Đoàn - Đội ... đều có tác dụng gắn kết nhà trường với địa phương, giúp các em mở rộng nhận thức cuộc sống ngoài xã hội . Đó là những đóng góp rất hiệu quả của các đoàn thể ở địa phương đối với nhà trường. Nhìn vào các hoạt động của Đoàn Đội trong chúng ta cũng thấy được một điều: tất cả các hoạt động đều hướng vào việc giáo dục học sinh, xây dựng nề nếp nhà trường, đưa học sinh vào những hoạt động bổ ích và lý thú, khiến các em gắn bó với Thầy cô, với mái trường và có trách nhiệm đối với tập thể lớp và nhà trường hơn.
Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa hội nghi! Trong phạm vi tổ chức Đoàn – Đội chỉ mới dừng lại là vai trò nòng cốt, công tác xây dựng kỷ cương nề nếp và tổ chức các hoạt động trong học đường cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường thì mới đủ lực để xây dựng nền văn hóa học đường thành công.
Tác giả bài viết: Nguyễn thị Minh Thơ
Nguồn tin: Trường Tiểu học Đức Long